TÌM VUI TRONG BẬN RỘN
K
hi bóng chiều đổ dài trên đường phố, liếc nhìn đồng hồ, có người
lại thở dài, tặc lưỡi: “Lại về nhà”. Câu thơ của ông Tú Xương khái quát tâm
trạng tẻ nhạt, thói quen lặp đi lặp lại: “Sáng vác ô đi, tối vác về”. Mỗi ngày,
chẳng có gì mới mẻ hơn. Thức giấc, cuống cuồng phóng xe ra khỏi nhà;
trưa, ăn vội, qua loa, rồi lại sấp ngửa chạy vào cơ quan. Chẳng mấy chốc,
chiều xuống, tan sở lại quay trở về nhà, nếu cao hứng, tạt vào quán bia bù
khú với bạn bè. Ngày nào cũng thế, tự dưng thấy chán.
Ba trăm sáu lăm ngày không gì mới.
“Hết ngày dài lại đêm thâu” cũng chỉ là công việc đã quen thuộc; bạn
bè lai rai bia bọt cũng một vài gương mặt cũ rích, cũng những câu chuyện
cũ mốc, mỗi chiều đều gặp liệu còn có chuyện mới gì để “tám”? Quay trở
về nhà, lại chán nốt. Cũng vợ, cũng con, cũng cái bàn, cái ghế, cái giường;
các sinh hoạt nề nếp mỗi ngày vẫn lặp lại giống y chang. Rồi đi ngủ. Rồi
sáng mai, thức giấc đi làm.
“Ôi! Nhân loại văn minh trí tuệ một cách kinh khủng. Tôi xin bái
phục. Làm sao có thể hiểu nổi cái văn minh bắt người ta làm việc khổ cực
đến bạc đầu để kiếm ăn mà quên mất đi sự nghỉ ngơi, chơi bời”. Nhà văn
trứ danh Lâm Ngữ Đường đã thốt lên não nùng trong tác phẩm Sống đẹp.
Thử hỏi: Khoảng lặng sau công việc mỗi ngày, có thể nghỉ ngơi, chơi
bời, vậy tại sao nhiều người không những không hứng thú mà còn thở dài,
ngao ngán?
Tôi đồ rằng, do ngoài thời gian lao lực kiếm sống, hầu như họ không
còn có thêm một đam mê nào khác. Mà đam mê ấy chính là thú vui tao nhã
khiến họ “được” bận rộn như một cách thư giãn. “Nghề chơi cũng lắm công