Về đến nhà, tôi đâm ra hoảng. Chẳng lẽ, mình cứ lao ra đường mỗi
ngày rồi lại trở về nhà với một tâm thế như người máy? Thế còn thơ? Còn
cảm xúc? Còn đâu những lúc ngồi tĩnh lặng nhìn mây trắng phiêu lãng trên
vòm xanh, tự tình với câu thơ vừa vụt đến trong trí nhớ?
Rồi một ngày kia, bất ngờ, tôi tìm được cho mình một quán cà phê ở
trên trời, nơi ấy mọc rất nhiều cỏ. Gọi “trên trời” đơn giản vì muốn lên
chốn ấy, tôi phải bước những nhịp cầu thang để được phóng một tầm mắt.
Quán cà phê này là mặt sau của một khách sạn nổi tiếng. Lên những bậc
cầu thang, trước mặt tôi, từ phía xa xa kia là bức tường bằng gương xanh
đậm của một cao ốc. Phía sau lưng tôi cũng là một bức tường, nhưng xám
xịt, loang lổ xi măng trơ gan cùng tuế nguyệt của một chung cư đã xuống
cấp. Hai hình ảnh trái ngược ấy khiến tôi thấy mình vừa gần và vừa xa Sài
Gòn.
Ngồi với tôi, nàng nói: “Anh à, em rất yêu Sài Gòn”. Tôi cũng vậy.
Trên bàn là những lọ hoa nhỏ. Bông hoa nhỏ xíu nhiều sắc màu rực rỡ. Gió
từ phía sông Sài Gòn thổi lên nhè nhẹ. Và âm nhạc. “Mệt quá đôi chân này.
Tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”. Nghỉ ngơi đi chứ. Vâng, chỉ có những lúc
ấy, tôi mới có thể tĩnh tâm quan sát những cây chuối dân dã quê kiểng, hiền
lành bên cạnh mình. Không biết, tại sao lúc ấy, lúc này và lúc nào nhìn cây
chuối ấy, trong tôi lại nhớ đến những câu thơ của thi hào Nguyễn Trãi.
Người xưa tinh tế biết bao chừng, khi hạ bút:
Tình thư một bức phong còn kín,
Gió nơi đâu, gượng mở xem.
Thư tình viết trên tàu lá chuối, từng câu còn xanh, còn thơm, còn
hương, có nồng nàn yêu nhớ. Người run rẩy. Người rụt rè không dám mở.
Người chờ gió xuân nhẹ nhàng đến đặng “mở xem”... Tôi lặng lẽ, bồi hồi
nhìn tàu lá chuối nõn và bỗng nhiên tâm hồn mình chùng xuống, như vừa
được cởi rũ những bụi bặm nhỏ nhen mà lâu nay mình cứ đánh đu theo
ngày tháng. Tàu lá chuối xanh vô tội giữa một không gian riêng ở Sài Gòn
đã khiến tôi nhẹ nhõm. Nhẹ nhõm như khi nghe: “Anh ạ, em rất yêu Sài
Gòn”. Sực nhớ nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.