cách tuyệt đối vào các ý tưởng, các cảm giác. Vả lại chính lúc đó những
giác quan của ta như khứu giác, thính giác mẫn tuệ nhất, cho nên phải nằm
mà nghe âm nhạc thì mới thưởng hết được cái hay”.
Chính nhờ thế, đôi khi chỉ một khoảnh khắc thư giãn nhẹ nhàng trong
buổi sáng, người ta phát hiện ra nhiều điều thú vị chung quanh. Nhà văn
Lâm Ngữ Đường hào hứng “khoe”: “Tôi còn nhớ cái vui lớn nhất của tôi
suốt mùa xuân năm nọ là được nghe tiếng chim hót của một loài chim giá
cô (perdrix)”. Rồi ông phân tích âm giai của khúc giao duyên đã được nghe
trong một sáng yên lành.
Tự dưng, tôi thoáng nghĩ, đôi khi lạc thú trên đời chẳng phải tìm kiếm
xa xôi nơi đâu, nó hiện diện đâu đó rất gần gũi mà tại sao lâu nay không
biết đến? Không biết đến, chẳng qua ta không dành lấy một khoảng thời
gian tĩnh mịch, trầm tư cho riêng mình. Thời gian vội vã cuốn người ta trôi
theo dòng chảy mỗi ngày. Rồi sẽ đến lúc: “Mệt quá đôi chân này. Tìm đến
chiếc ghế nghỉ ngơi” (T.C.S). Có điều đơn giản như sống thì phải thở, đói
thì ăn, mệt thì nghỉ. Nhưng mấy khi ta dám nghỉ ngơi giữa một ngày tất bật,
ồn ào, đua chen, náo nhiệt đang giăng lưới vây bủa trong từng khoảnh
khắc? Có những lúc đã mỏi mệt đứ đừ với công việc, phải tính toán căng
mắt với từng con số, phải tranh cãi chí chóe về kế hoạch này nọ, vậy mà ta
có dám nghỉ ngơi, xả hơi một chút hay cứ tiếp tục gắng thêm, cố gắng thêm
một chút nữa? Than ôi, cái sự bận rộn ấy cũng có thể do chính ta tự tạo ra
đấy thôi.
Không có gì phải vội. Nếu vội làm sao có thể tìm thấy lạc thú ở trên
đời?
Để có một tình yêu, tôi trồng một cây xanh
Để có một cây xanh, tôi gieo vào lòng tôi một hạt mầm hy vọng.
Hình ảnh tốt tươi nhất của nhiều người, có lẽ là những lúc ngay tại
mảnh đất nho nhỏ trước nhà, họ gieo một hạt giống, ngày ngày tưới nước
và mong ngóng, chờ đợi hạt mầm sẽ nhú lên. Chờ đợi ấy đem lại niềm vui
nho nhỏ trong sự nhẫn nại, niềm hy vọng và mở ra nhiều điều kỳ diệu của
trí tưởng tượng. Rằng ngày mai, từ khoảnh sân nhà mình sẽ mọc lên một