- Anh làm gì mà ngẩn ra thế? - Đan nhìn anh, cười bằng mắt.
- À, anh đang tính xem làm thế nào bắt em về ở suốt đời trong phòng này.
- Khó đấy!
- Ba em đòi voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao à?
- Cái đó em không chắc, ba em có vẻ thích đồ tái hơn. Nhưng bắt em ở suốt
đời trong phòng này thì khó đấy. Nó buồn tẻ quá, mà em thì ham vui.
- Em có thể đem ở đâu đó vài đứa nhóc ầm ĩ chí choé về, sẽ vui ngay.
- À, nếu thế thì phòng lại bị chật.
- Anh sẽ cơi nới và làm thêm “chuồng cọp”.
- Lúc đó thì em sẽ thành con cọp cái gầm gừ, nhỉ.
- Rồi sẽ nỉ non suốt ngày rằng “than ôi thời oanh nay liệt còn đâu”.
Đan cười thành tiếng. Cô thích thú kéo tấm rèm dày cho ánh sáng cuối
ngày lọt vào trong phòng. Ngắm mấy bức tranh nhỏ vẽ phong cảnh nước
Nga trên tường, cô thì thầm:
- Phòng anh đẹp như trong truyện của Paux ấy. Chỉ thiếu một cái lò sưởi và
một con mèo lười uể oải.
Đan khẽ rùng mình vì vòng tay của Lập ôm ghì từ phía sau, cô nghe anh
cười nhỏ:
- Lò sưởi đây rồi, còn con mèo lười uể oải thì có thể thay bằng con cọp gầm
gừ... Em thích không?
Cô gật đầu, lắng nghe anh thủ thỉ tiếp:
- Phòng này anh trang trí giống ngôi nhà của một thầy giáo của anh ở Kiev.
Với anh khi ấy, căn nhà của thầy là thiên đường. Giữa mùa đông, anh bị
cảm lạnh rồi viêm phổi, thầy đã đón anh từ bệnh viện về thẳng nhà. Bước
vào cửa, xỏ chân vào đôi dép lông xù, ngồi vào ghế, quàng một cái khăn
len thật dày, đọc một cuốn sách cũng thật dày rồi ngửi mùi súp củ cải mà
vợ thầy đang nấu trong bếp, anh cảm thấy mình chẳng còn ốm đau gì cả.
- Bây giờ anh còn liên lạc với thầy cô không?
- Từ khi ổn định công việc, hàng năm anh đều cố gắng sang thăm. Thầy
vừa mất năm ngoái rồi. Cô sống một mình trong nhà, nhà chẳng có thay đổi
gì cả, cô thì vẫn nghĩ rằng thầy chỉ đi dạo rồi sẽ về.
Đan cảm nhận cái cằm ram ráp râu của anh cọ cọ vào thái dương mình, cô