Nhu cầu cảm xúc 3 và 4:
Cảm thấy mình quan trọng và được nhìn nhận
Bên cạnh nhu cầu được cảm thấy yêu thương và chấp nhận, bọn trẻ còn
có một khao khát mãnh liệt là được cảm thấy mình quan trọng và được
người khác đánh giá, nhìn nhận đúng. Tất cả mọi đứa trẻ đều khao khát trở
thành “một ai đó” chứ không phải “không có ký lô” nào cả.
Nhu cầu được cảm thấy mình quan trọng và được nhìn nhận là nguồn
lực thúc đẩy bọn trẻ giúp đỡ người khác, tình nguyện làm công tác xã hội,
đạt điểm tối đa, tham gia các cuộc thi đấu và giành vị trí đứng đầu. Nhưng
chỉ cần chệch đi một chút, nó cũng đẩy nhiều đứa trẻ vào hành vi phá
phách, ngỗ ngược, thậm chí nổi loạn. Khi chúng tôi tổ chức khoá học
“Thiếu Nhi Siêu Đẳng” và “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, có hàng trăm
học viên cũ tình nguyện làm trợ lý cho huấn luyện viên để giúp đỡ đào tạo
lớp học sinh mới.
Nhiều phụ huynh thắc mắc với tôi về hiện tượng con mình “việc nhà thì
nhác, việc chú bác thì siêng”. Chẳng là con họ vui vẻ hy sinh năm ngày
nghỉ hè quý giá để xung phong hỗ trợ chương trình, làm việc cần mẫn từ
tám giờ sáng đến 12 giờ khuya mỗi ngày (công việc đòi hỏi cố gắng rất cao)
trong khi chúng không thèm bỏ ra nửa tiếng để quét dọn phòng mình.
Lý do rất rõ ràng (tôi biết rõ là vì trước đây tôi cũng từng như thế), với
tư cách là trợ lý huấn luyện cho các khoá học, những cô cậu “vác tù và hàng
tổng” này được đàn em mới tham gia khóa học tôn trọng và ngưỡng mộ. Là
người có trách nhiệm với đàn em ngây thơ, chúng cảm thấy mình cực kỳ
quan trọng và được đánh giá cao. Ngoài ra, văn hóa công ty chúng tôi được
xây đắp trên tinh thần xây dựng và nâng đỡ mọi người không hề có sự phân