Dù đang nói hay đang lắng nghe, bạn hãy luôn nhìn vào mắt con. Điều
đó cho con bạn biết rằng cha mẹ thành thật muốn ở bên con cái và lắng
nghe mọi ý kiến của chúng. Chú ý đừng nhìn đi chỗ khác, nhìn trộm hoặc
trợn mắt (khi con bạn nói điều gì mà bạn không đồng ý), vì những biểu hiện
này chứng tỏ bạn không quan tâm đến ý kiến hay cảm nhận của chúng.
• Chú tâm hoàn toàn
Một cuộc giao tiếp chỉ thành công khi mỗi bên chú tâm 100%. Hãy lắng
nghe bằng toàn bộ cơ thể mình! Nhiều bậc cha mẹ vừa nghe con nói vừa
làm việc khác như xem tivi hoặc nghĩ đến một chuyện gì khác. Cũng đừng
tỏ ra lơ đễnh mà hãy chú tâm hoàn toàn vào những gì đang diễn ra. Nếu bạn
đang bận, hãy nói rằng bạn cần hoàn thành công việc trước khi tập trung
cho câu chuyện.
• Đặt câu hỏi với ngữ điệu quan tâm và muốn tìm hiểu
Giọng điệu trong giao tiếp vô cùng quan trọng vì nó chuyển tải thông
điệp thật sự của người nói hơn là lời lẽ mà họ dùng. Bạn hãy đặt ra những
câu hỏi với giọng điệu quan tâm thành thật. Đáng tiếc, nhiều bậc phụ huynh
không nhận ra rằng họ có khuynh hướng đặt câu hỏi với giọng điệu “hình
sự” kiểu như,
“Thế hôm nay con làm gì?”, “Con đã làm bài xong chưa?”
hay
“Con nghĩ gì mà làm như vậy?”
Khi trẻ cảm thấy mình như đang ngồi
trên “ghế nóng” của tội nhân, chắc chắn chúng sẽ không chịu hé miệng.
• “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu!”
Trẻ sẽ cảm thấy thật sự được thấu hiểu và yêu thương khi chúng ta biểu
lộ sự cảm thông đúng nghĩa. Khi nói chuyện với chúng, bạn hãy học cách
lắng nghe và biểu lộ sự đồng cảm.