Đứa trẻ: Con ghét cô giáo ngu xuẩn này. Ngày nào cô cũng giao cả
đống bài tập về nhà.
Cha mẹ: Sao mày dám ăn nói láo lếu như thế? Người ngu xuẩn là mày
biết chưa? Cô giáo giao nhiều bài về nhà là để mày học tốt hơn, có thế mà
cũng không hiểu.
Bạn nghĩ con mình sẽ cảm thấy thế nào sau khi bị cha hoặc mẹ “dồn”
cho một trận như thế? Liệu nó có vui không? Có cảm thấy mình được lắng
nghe không? Lần sau nó có sẵn lòng thổ lộ những suy tư của mình và nghe
theo quan điểm, ý kiến của cha mẹ không? Tôi thì tôi không nghĩ thế.
Phản ứng thường tình của cha mẹ là nhảy dựng lên chỉnh đứa con ngay
lập tức, áp đặt ý kiến của họ và đưa ra những “lời giáo huấn chỉ có đúng mà
thôi”. Nhưng trên phương diện giáo dục, đó là một việc làm phản tác dụng,
cho thấy bạn KHÔNG tôn trọng con cái và coi nhẹ cảm giác, quan điểm của
chúng. Có thể lúc ấy đứa trẻ không dám cãi lại, nhưng sẽ có một trong
những phản ứng sau:
□ Không dám phát biểu ý kiến hay tâm sự bất cứ chuyện gì nữa (để
khỏi bị mắng)
□ Mặc dù không dám cãi lại (vì chưa đủ lý lẽ, vì sợ bị mắng thêm)
nhưng nó cũng sẽ KHÔNG cho vào đầu những “lời vàng ngọc” của bạn
□ Dần dần đi đến chỗ nghĩ cha mẹ mình độc đoán, phi lý, chỉ muốn áp
đặt ý kiến của mình lên người khác
Thế bạn có nghĩ là lần sau đứa trẻ còn muốn bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc
của mình với cha mẹ không? Chắc là không. Mối quan hệ hiểu biết và cảm
thông giữa hai bên thế là bị phá vỡ.