Những người đang có vị trí nổi bật, trong ánh đèn mầu, những người
luôn có vẻ như đang làm những điều lớn lao, quan trọng, thì không luôn
luôn dũng cảm. Và không cần phải nói rằng, chiến tranh
không phải là những hành động dũng cảm, mà là của sự hèn nhát.
Những ai mà không có lòng dũng cảm, họ dễ trở thành những kẻ ăn cắp,
áp bức, giết người và gây thương tật, đe dọa con người bằng vũ khí, khiêu
chiến. Họ làm những điều xấu ác bởi vì họ là những kẻ hèn nhát. Sự hèn
nhát thì nguy hiểm. Lòng dũng cảm chân chính có nghĩa là thực hiện những
hoạt động công chính và lợi lạc; nó có nghĩa là sống một cách lương thiện.
Đây là loại dũng cảm quý giá nhất.
Về cơ bản, dũng cảm là một vấn đề của lòng kiên nhẫn. Niềm mong ước
của người mẹ muốn nuôi con lớn lên thành người tốt, bất luận khó khăn nào
bà phải làm để thực hiện nó, là một hình thức dũng cảm cao thượng. Phía
bên kia của lòng dũng cảm, là lòng từ bi. Chúng là hai mặt của một đồng
tiền. Dũng cảm chân chính thì luôn được hỗ trợ bởi lòng từ bi; không có gì
xấu ác hay nham hiểm đằng sau nó. Nếu có một ý định xấu nào, bạn có thể
chắc rằng, nó không phải là lòng dũng cảm thực thụ. Một tình cảm của
người mẹ dành cho con mình, là một thí dụ hoàn hảo của lòng dũng cảm và
lòng từ bi.
Và thực ra, nếu ta hành động với lòng dũng cảm, ta thấy rằng lòng từ bi
của ta dành cho kẻ khác thực sự trở nên sâu sắc hơn. Lòng dũng cảm là đức
hạnh tối hậu cần phấn đấu để đạt tới.