75. HÀNH XỬ VỚI BẠO ĐỘNG
Nhiều người trẻ đang trở nên bạo động. Một vài người thậm chí còn tự
hào về điều đó. Tôi có thể làm được gì không?
Tôi được biết rằng theo sau thảm kịch bang Colorado tại trường trung
học Columbine, mà trong đó 13 học sinh bị bắn chết, tổng thống Clinton đã
nói, “Chúng ta phải gần gũi với con cái chúng ta và dạy chúng biết biểu lộ
cơn giận dữ của chúng và hóa giải những xung đột của chúng bằng lời nói,
chứ không phải bằng vũ khí.” Tôi hoàn toàn đồng ý. Không gì làm trái tim
tôi đau nhói hơn là sự kiện rằng những người trẻ, những người sở hữu tiềm
năng vô hạn cho tương lai, lại hủy hoại chính đời họ và đời những người
khác.
Khi tôi còn trẻ, tôi mất người anh trai cả cho Thế Chiến II. Anh là một
người nhân hậu, bất đồng một cách dữ dội với đường lối hành động của
nước Nhật. Đau đớn về việc Nhật xâm lược Trung Quốc, anh nói, “Quân
đội Nhật tàn nhẫn. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho nhân dân Nhật.”
Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi từ phía sau, cái lưng nhỏ bé
của bà run rẩy trong sầu khổ trước hung tin về cái chết của người con trai cả
trong chiến tranh. Ngay cả lúc ấy, tôi cảm thấy một cách sâu sắc rằng,
chúng ta nên bãi bỏ chiến tranh và bạo động khỏi trái đất này, bất luận điều
gì xảy ra.
Dĩ nhiên, điều hệ trọng là phải kiểm soát những yếu tố bên ngoài của bạo
động bằng cách giải trừ vũ khí, bổ sung thêm những đạo luật và ký kết
những hòa ước giữa những dân tộc; tuy vậy, sau cùng, cần phải hiểu rằng,
bạo động khởi lên từ thú tính bẩm sinh, một phần trong bản chất của con
người. Đó một trạng thái nơi mà người ta bị chao đảo bởi những ham muốn
bản năng, và không có cảm thức nào về lý tính hay đạo đức. Cho dù chúng
ta có thể đã xóa sạch tất cả những khí giới khỏi hành tinh này, thì bạo động
sẽ không bao giờ chấm dứt, trừ phi ta kiểm soát được thú tính bên trong ta.