Philip được sự trợ giúp của hai thiên tài nham hiểm: Marigny và Nogaret.
Chính Marigny là người cuối cùng đã giành được quyền kiểm soát tài sản của
dòng Đền, thay mặt nhà vua cai quản nó cho tới khi nó được chuyển cho dòng
Cứu tế. Ai giành được lợi tức thì không rõ. Nogaret, đại pháp quan của nhà vua,
vào năm 1303 đã là nhà chiến lược đứng sau sự kiện ở Anagni, khi mà Sciarra
Colonna tát tai Boniface VIII và chưa đầy một tháng sau đức Giáo hoàng này
băng hà vì nhục nhã.
Rồi một kẻ tên Esquin de Floyran xuất hiện. Nghe nói trong khi bị giam vì
những tội không rõ và sắp sửa bị xử tử, Floyran gặp một hiệp sĩ dòng Đền phản
đạo trong xà lim và nghe một lời thú tội khủng khiếp của anh ta. Để đổi lấy mạng
sống và một khoản kha khá, Floyran phun ra tất tần tật. lời khai của Floyran lại
giống in hệt người ta vẫn đồn thổi. Giờ thì tin đồn đã trở thành lời khai chính
thức trước một quan tòa. Nhà vua chuyển những lời vạch trần gây chấn động của
Floyran đến Giáo hoàng Clement V, vị này về sau rời tới ngự ở Avignon. Clement
tin một số cáo buộc, nhưng biết rằng không dễ gì can thiệp vào chuyện của dòng
Đền. Tuy vậy năm 1307, ngài vẫn đồng ý mở một cuộc thẩm tra chính thức. Đại
thủ lĩnh Molay được thông báo nhưng tuyên bố lương tâm mình trong sạch. Ông
ta vẫn tiếp tục tham dự những nghi lễ chính thức bên cạnh nhà vua, một vương
gia giữa những vương gia. Clement V có vẻ đang lảng tránh nên nhà vua bắt đầu
nghi ngờ rằng Giáo hoàng muốn cho các hiệp sĩ dòng Đền thời gian để trốn chạy.
Nhưng không, các hiệp sĩ dòng Đền vẫn tiếp tục nốc rượu và báng bổ trong trang
ấp của mình, dường như không hay biết gì về mối nguy hiểm rình rập. Và đây là
điều khó hiểu đầu tiên.
Vào ngày 14 tháng Chín năm 1307, nhà vua gửi mật thư tới tất cả các nhân
viên tòa án và các quan án trên toàn đế chế, ra lệnh bắt giữ tập thể các hiệp sĩ
dòng Đền và tịch thu tài sản của họ. Kể từ khi mệnh lệnh được ban hành cho tới
cuộc bắt bớ vào ngày 13 tháng Mười là một tháng. Nhưng các hiệp sĩ không nghi
ngờ gì hết. Vào buổi sáng tháng Mười ấy, tất cả bọn họ đều rơi vào bẫy, và - lại
một sự khó hiểu khác - tự nộp mình mà không hề kháng cự. Trên thực tế, những
ngày trước các cuộc bắt giữ, với những lý do bào chữa yếu ớt nhất, người của nhà
vua, vì muốn đảm bảo sẽ không có thứ gì thoát khỏi sung công, đã tiến hành một
dạng kiểm kê tài sản của dòng Đền trên khắp đất nước. Thế mà các hiệp sĩ dòng
Đền vẫn không làm gì hết. Cứ đến đây đi, nhân viên tòa án thân mến, cứ xem xét
khắp đi, hãy cứ tự nhiên như ở nhà anh.