37
Bất cứ ai ngẩm ngợi về bốn thứ, thì tốt nhất là anh ta chưa bao giờ sinh ra
trên đời: cái ở trên, cái ở dưới, cái ở trước, cái ở sau.
− Talmud, Hagigah 2.1
Tôi đến Garamond vào buổi sáng người ta lắp đặt Abulafia trong khi Belbo và
Diotallevi mê mải công kích nhau về tên của Thiên Chúa còn Gudrun thì nghi
ngờ nhìn những người đang giới thiệu về cái thứ mới mẻ gây xáo động này giữa
những chồng bản thảo ngày càng bụi bặm.
“Ngồi đi, Casaubon. Đây là đề cương cho cuốn lịch sử kim loại của chúng
ta.” Khi chỉ còn lại hai chúng tôi, Belbo cho tôi xem những bảng chỉ mục, sơ đồ
chương, những thiết kế gợi ý. Tôi sẽ phải đọc phần lời và tìm hình ảnh minh họa.
Tôi nhắc tới một số thư viện ở Milan có vẻ có nguồn hứa hẹn.
“Chỗ đó không đủ,” Belbo nói. “Anh sẽ phải tới cả những nơi khác nữa. Bảo
tàng khoa học ở Munich chẳng hạn, họ có một kho tư liệu ảnh tuyệt vời. Ở Paris
có Học viện Kỹ nghệ. Nếu có thời gian tôi cũng sẽ quay lại đó.”
“Ở đó hay thế à?”
“Khiến người ta không yên. Thành tựu của máy móc trú ngụ trong một nhà
thờ Gothic...” Anh ta ngập ngừng, sắp xếp lại ít giấy tờ trên bàn. Rồi, như thể sợ
đặt quá nhiều trọng lượng vào lời thông báo, anh ta thả một câu, “Và có Con lắc
nữa.”
“Con lắc nào?”
“Con lắc. Con lắc của Foucault.”
Rồi anh ta mô tả nó cho tôi, đúng như tôi thấy nó hai ngày trước, hôm thứ
Bảy. Có lẽ tôi thấy nó như vậy là bởi vì Belbo đã chuẩn bị cho tôi về cảnh tượng
ấy. Nhưng lúc trò chuyện hẳn tôi chẳng biểu lộ mấy nhiệt tình, bởi Belbo nhìn tôi
như thể tôi là kẻ vừa chiêm ngưỡng nhà nguyện Sistine vừa hỏi: Có thế này thôi
hả?
“Có lẽ là do bầu không khí, vì nó ở trong một nhà thờ, nhưng tin tôi đi, anh
sẽ cảm thấy một xúc cảm rất mạnh mẽ. Ý niệm rằng mọi thứ đều chuyển động và
trên đầu mình là điểm đứng yên duy nhất trong vũ trụ... Với những kẻ vô tín, đó
là một cách để tìm lại được Chúa mà không thách thức sự vô tín của họ, bởi vì đó