100
Hỡi toàn thế giới: Tôi tuyên bố rằng lòng trái đất rỗng và có thể sinh sống ở
bên trong; nó bao gồm một số những trái cầu rắn, đồng tâm; trái này nằm
trong trái kia, và mở ra ở hai cực mười hai hoặc mười sáu độ.
− J. Cleves Symmes ở Ohio, đại úy bộ binh đã qua đời,
ngày 10 tháng Tư năm 1818;
được dẫn trong Lands Beyond của Sprague de Camp và Ley,
New York, Rinehart, 1952, X
“Chúc mừng, Casaubon. Vô tình anh đã chạm tới chân lý. Ám ảnh thực sự duy
nhất của Hitler là các dòng ngầm dưới đất. Ông ta tin vào học thuyết về trái đất
rỗng, Hohlweltlehre
“Tôi đi đây. Tôi bị đau dạ dày,” Diotallevi nói.
“Đợi đã. Chúng ta đang tới phần hay nhất. Trái đất rỗng: chúng ta không
sống bên ngoài nó, trên lớp vỏ lồi, mà bên trong, trên bề mặt lõm. Thứ chúng ta
nghĩ là bầu trời thực ra là một khối khí, với những điểm phát sáng, lấp đầy bên
trong quả địa cầu của chúng ta. Tất cả các phép đo thiên văn đều phải được diễn
dịch lại. Bầu trời không phải là vô hạn: nó nội tiếp. Mặt trời nếu có thực sự tồn
tại thì cũng chẳng lớn hơn như ta thấy, chỉ là một mẩu nhỏ đường kính ba mươi
centimét ở trung tâm Trái đất. Người Hy Lạp cũng đã đoán như vậy.”
“Toàn chuyện anh phịa ra,” Diotallevi mệt mỏi nói.
“Không hề! Có người đã đưa ra ý tưởng này vào đầu thế kỷ trước, người
Mỹ, một người tên là Symmes. Rồi đến cuối thế kỷ, một người Mỹ khác, tên
Teed, đã khơi lại ý niệm này, được củng cố bởi các thí nghiệm giả kim và một
cách diễn giải bản Isaiah. Sau Thế chiến thứ Nhất, học thuyết trái đất rỗng được
một người Đức hoàn thiện - tôi quên mất tên rồi - người đã sáng lập ra phong trào
Hohlweltlehre. Hitler và các bạn chí thân của mình đã khám phá ra rằng
Hohlweltlehre trùng khớp chính xác với những nguyên lý của họ, và theo một
tường thuật, thậm chí một số bom V-l của họ nhắm chệch mục tiêu bởi vì họ tính
toán quỹ đạo của chúng dựa vào bề mặt lõm chứ không phải bề mặt lồi. Hitler
đến lúc này đã tin chắc mình là Vua của Thế giới còn các thành viên trong Bộ