Ông ta nhắc tới một mức thù lao cố định dựa trên giờ làm việc dự kiến; nghe
có vẻ hợp lý so với thời ấy. Tôi chấp nhận.
“Rất tốt, Casaubon.” Giờ tôi đã là người làm công, kính ngữ liền biến mất.
“Cuốn lịch sử kim loại này,” ông ta nói tiếp, “phải thật tráng lệ, còn hơn thế, phải
là sản phẩm của cái đẹp. Đại chúng, nhưng cũng học thuật. Nó phải nắm bắt được
tưởng tượng của độc giả. Một ví dụ. Ở đây trong bản phác thảo đầu tiên có nhắc
tới những quả cầu này - chúng gọi là gì nhỉ? Phải, các bán cầu Magdeburg. Hai
bán cầu mà khi áp vào nhau và rút hết không khí ra, tạo nên một vùng chân
không bên trong. Đoạn người ta buộc hai đoàn ngựa vào hai bán cầu rồi thúc cho
chúng chạy về hai hướng đối ngược. Lũ ngựa không thể tách hai bán cầu ra được.
Đây là thông tin khoa học. Nhưng nó đặc biệt, nó đẹp mắt. Cậu phải tách nó ra từ
tất cả những thông tin khác, rồi tìm hình ảnh phù hợp - bích họa, tranh sơn dầu, gì
cũng được - và chúng ta sẽ dành riêng cho nó cả một trang, in màu.”
“Tôi biết một bản khắc liên quan,” tôi nói.
“Cậu nhận ra vấn đề rồi hả? Hoan hô! Cả một trang. In màu.”
“Bởi vì đó là một bản khắc, phải in đen trắng,” tôi nói.
“Thật sao? Tốt, đen và trắng cũng được. Tính chính xác là trên hết. Nhưng
trên nền vàng nhũ. Nó phải tác động mạnh vào người đọc, khiến họ cảm thấy như
mình ở đó vào cái ngày thí nghiệm kia diễn ra. Hiểu điều tôi nói chứ? Khoa học,
chủ nghĩa hiện thực, đam mê. Với khoa học cậu có thể tóm cổ độc giả. Còn gì
kịch tính hơn là Madame Curie một tối nọ về nhà thấy chất lân tinh ánh lên trong
bóng tối? Ôi Chúa ơi, đó có thể là gì chứ? Hydrocarbon, mỏ vàng, nhiên liệu, bất
kể cái tên quái quỷ nào mà họ đặt cho nó, và voilà, Marie Curie phát minh ra tia
X. Kịch tính hóa! Nhưng với sự tôn trọng tuyệt đối sự thật.”
“Tia X thì có liên quan gì tới kim loại ạ?” tôi hỏi.
“Radium không phải kim loại sao?”
“Vâng.”
“Thế đấy. Toàn bộ kiến thức đều có thể quan sát từ góc nhìn của kim loại.
Chúng ta đã quyết định đặt tên cho cuốn sách là gì nhỉ, Belbo?”
“Chúng tôi đang nghĩ tới thứ gì đó chuẩn mực, chẳng hạn như Kim loại.”
“Đúng, nó phải chuẩn mực. Nhưng với một cái móc câu, một chi tiết nhỏ
phô bày toàn bộ câu chuyện. Xem nào... Kim loại: Một thiên lịch sử thế giới.
Trong đó có người Tàu không?”
“Có ạ.”