Vậy sự khuyến khích này có ảnh hưởng như thế nào, tôi sẽ xem xét
vấn đề này ở dưới đây. Lúc này tôi chỉ nhận xét rằng từ 1688 đến 1700, sự
khuyến khích xuất khẩu ngũ cốc chưa có tác động gì. Trong thời kỳ ngắn
này, tác dụng của sự khuyến khích là xuất ra nước ngoài phần sản phẩm
lương thực dư thừa mỗi năm, và do đó cản trở việc bù đắp của năm được
mùa đối với năm mất mùa và làm tăng giá ngũ cốc tại thị trường trong
nước. Sự khan hiếm ngũ cốc ở nước Anh từ 1693 đến 1699, mặc dù chủ
yếu là do mùa màng thất bát không những ở nước Anh mà còn ở phần lớn
các nước Châu Âu, nhưng cũng phần nào do sự khuyến khích này mà trở
nên càng trầm trọng hơn. Năm 1699, cũng vì thế, việc xuất khẩu ngũ cốc bị
cấm trong 9 tháng.
Còn có một sự kiện thứ ba xảy ra vào cùng thờ kỳ này. Mặc dù không
gây ra sự khan hiếm ngũ cốc mà cũng chẳng làm tăng số lượng thực sự của
bạc trả cho số ngũ cốc tương ứng, sự kiện này chắc chắn đã gây nên sự gia
tăng phần nào về số tiền danh nghĩa. Sự kiện này là sự giảm đáng kể giá trị
đồng bạc đúc bằng cách cắt xén hàm lượng bạc trong đồng tiền. Việc làm
tồi tệ này bắt đầu dưới triều đại vua Charles II và cứ tiếp diễn cho tới năm
1695. Ông Lowndes cho biết là đồng tiền bằng bạc đúc hiện nay trung bình
mất đi gần 25% giá trị chuẩn. Nhưng số tiền danh nghĩa theo giá thị trường
của mỗi mặt hàng cần phải được điều chỉnh, không phải bằng số lượng bạc
theo giá trị chuẩn phải có trong đó, mà bằng số lượng bạc thực sự chứa
trong đó mà thôi. Số tiền danh nghĩa này tất yếu phải cao hơn khi đồng tiền
bị mất giá trị nhiều vì bị giảm hàm lượng bạc so với khi hàm lượng bạc gần
với giá trị chuẩn của đồng tiền.
Trong suốt thể kỷ hiện nay, đồng tiền đúc bằng bạc chưa bao giờ bị sút
về trọng lượng chuẩn như hiện nay. Nhưng dù cho bị mất giá trị rất nhiều,
giá trị của đồng tiền bằng bạc vẫn được giữ vững bởi giá trị đồng tiền vàng,
vì đồng tiền bạc vẫn được trao đổi với tiền vàng. Vì mặc dù trước lần được
đúc lại gần đây, đồng tiền vàng cũng bị mất giá, nhưng ít hơn so với đồng
tiền bạc. Năm 1695, ngược lại, giá trị đồng tiền đúc bằng bạc lại không
được đồng tiền vàng nâng đỡ nữa; đồng guinea (tiền vàng của nước Anh
xưa, giá trị tương đương 21 shilling) vào thời đó thường được đổi lấy 30