“Phần ưu tú nhất của thanh niên chúng ta vươn tới những hành động táo
bạo”. Chắc chắn đó là sự thật. Tuy nhiên trong mọi lãnh vực, thế hệ hậu
cách mạng vẫn nằm dưới sự bảo trợ. Làm gì và làm thế nào, tất cả đều do
cấp trên chỉ bảo. Chính trị, hình thức cao nhất của sự chỉ đạo, vẫn nằm
trong tay đội ngũ cán bộ già mà người ta gọi là đội cận vệ già. Họ vừa nói
với thanh niên những lời nói thân tình, đôi khi vuốt ve, họ vừa khư khư
nắm giữ lấy độc quyền.
Không thể quan niệm có sự phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa
mà không có “sự tàn lụi” của Nhà nước, nghĩa là không có sự thay thế
những thể chế cảnh sát mật vụ bằng sự tự quản của những người sản xuất
và tiêu thụ. Angghen giao sự hoàn thành nhiệm vụ đó cho thế hệ trẻ, “thế
hệ sẽ lớn lên trong những điều kiện mới của tự do và sẽ đủ năng lực cất vào
kho tất cả mớ hỗn độn cũ của chủ nghĩa Nhà nước”. Ở đây, Lênin thêm:
“của mọi thứ chủ nghĩa Nhà nước, kể cả Nhà nước cộng hòa dân chủ...”.
Đó là tóm tắt tinh thần của Angghen và Lênin về viễn cảnh của việc xây
dựng xã hội xã hội chủ nghĩa: thế hệ đã chiếm được chính quyền, đội cận
vệ già, bắt đầu việc thanh toán Nhà nước; thế hệ tiếp theo hoàn thành công
việc đó.
Thực tế lại như thế nào? 43% dân số Liên xô sinh sau cách mạng
Tháng mười. Nếu ta giới hạn các thế hệ ở tuổi hai mươi ba thì hơn 50%
người xô viết chưa tới giới hạn đó. Vậy hơn một nửa dân số chưa có kinh
nghiệm về một chế độ nào khác chế độ xô viết. Nhưng đúng thế, những thế
hệ trẻ ấy không được đào luyện “trong những điều kiện của tự do”, như
Angghen đã suy tưởng; ngược lại, họ được đào luyện dưới ách không chịu
đựng nổi của tầng lớp lãnh đạo, theo sự hư cấu đã được chính thức hóa, là
những người đã làm ra cách mạng Tháng mười. Ở nhà máy, nông trường
tập thể, trại lính, trường đại học, trường phổ thông và cả đến vườn trẻ, nếu
không phải là ở nhà trẻ, những đạo đức chính của con người là sự trung
thành với lãnh tụ và sự vâng lời không tranh cãi. Rất nhiều châm ngôn giáo
dục thời kỳ gần đây cò thể coi như là chép lại của Gơben (Goebbels)
không phải chính Gơben đã vay mượn trong một chừng mực rộng rãi ở
những người cộng tác với Stalin.