I
Các cuộc tranh luận trong bất kì thời đại nào đều tràn ngập những vấn đề
được nhìn nhận theo các cách khác nhau bởi các trường phái tư tưởng hàng
đầu của thời đại đó. Nhưng bầu không khí tri thức bao trùm của thời đại
bao giờ cũng được quyết định bởi các quan điểm mà các trường phái tư
tưởng đối lập đồng tình. Chúng trở thành những giả định ngầm của mọi tư
tưởng, và trở thành những nền tảng chung, được xem là đương nhiên cho
tất cả các cuộc tranh luận diễn ra.
Khi chúng ta không còn chia sẻ những giả định ngầm của những thời kì
trong quá khứ, việc nhận ra chúng thật tương đối dễ dàng. Nhưng tình thế
lại khác khi chúng ta đụng chạm đến những ý tưởng nền tảng của tư duy
trong những thời đại gần đây. Lúc này, chúng ta thường vẫn chưa nhận ra
được những đặc điểm chung mà các hệ thống tư tưởng đối lập chia sẻ,
những ý tưởng mà vì một lí do nào đó thường không được nhận diện;
chúng giành được địa vị thống trị nhưng lại không phải trải qua một quá
trình sàng lọc nghiêm túc. Điều này rất nghiêm trọng bởi vì, như Benard
Bosanquet đã từng chỉ ra rằng “những quá khích trong tư tưởng có thể dẫn
đến sai lầm ngang bằng với khả năng khám phá sự thật”.
Những sai lầm này đôi lúc trở thành những giáo lí chỉ bởi vì chúng được
công nhận bởi các nhóm [tư tưởng] khác nhau đang tranh cãi về tất cả các
vấn đề thời sự, và chúng thậm chí có thể tạo ra các nền tảng ngầm cho tư
duy trong trường hợp chúng ta quên lãng hầu hết các lí thuyết đã gây ra
chia rẽ giữa các nhà tư tưởng, những người mà chúng ta chịu ơn.
Khi điều này xảy ra, lịch sử các ý tưởng trở thành chủ đề có tầm quan
trọng thực tiễn to lớn. Nó có thể giúp chúng ta nhận thức được phần lớn
những điều chi phối tư tưởng của chúng ta mà chính bản thân chúng ta rõ
ràng không hay biết điều này. Nó cũng có thể phục vụ các mục đích của