IV
Tuy nhiên, có một khía cạnh mà các lí thuyết về tư duy của cả Comte và
Hegel đều chia sẻ; tôi phải đề cập tới điều này vì chính chủ đề của chúng ta
ở đây và vì nó sẽ mang tới cho tôi một cơ hội liên tưởng tới một câu hỏi thú
vị mà tôi không có thời gian để xem xét trong chương này: nguồn gốc ban
đầu khiến họ có các ý tưởng chung.
Cái khía cạnh chung trong các học thuyết của họ mà tôi muốn nói tới là
một thứ thoạt nhìn có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau: thái độ của họ đối với
nghiên cứu thực nghiệm. Đối với Comte, điều này chính xác là khoa học;
đối với Hegel, điều này hoàn toàn nằm ngoài cái mà ông gọi là khoa học,
mặc dù ông không hề hạ thấp vai trò của tri thức thực tiễn khi nó được sử
dụng trong đúng lĩnh vực của nó. Điều đưa họ đến với nhau là niềm tin của
họ, rằng khoa học thực nghiệm cần phải thuần túy mô tả, khuôn mình vào
việc tìm ra các thường hiện cho các hiện tượng quan sát. Họ đều là những
nhà hiện tượng học khắt khe theo nghĩa này, nghĩa là họ phủ nhận việc
khoa học thực nghiệm có thể phát triển từ việc mô tả tới việc giải thích.
Việc nhà thực chứng Comte coi mọi giải thích, mọi việc thảo luận về cách
thức hình thành các hiện tượng là một công việc siêu hình vô ích, trong khi
Hegel lại bảo lưu điều này trong triết học duy tâm của mình về tự nhiên, là
một chuyện khác. Quan điểm của họ về chức năng của nghiên cứu thực
nghiệm, như Émile Meyerson đã xuất sắc chỉ ra, gần như hoàn toàn tương
đồng với nhau. Ví dụ khi Hegel lập luận rằng “nghiên cứu thực nghiệm
không có nhiệm vụ khẳng định sự tồn tại của bất kì điều gì mà tri giác bằng
giác quan (sense perception) không biết đến”, ông là một nhà thực chứng
hệt như Comte.
Ngày nay, không nghi ngờ gì, cách tiếp cận hiện tượng luận đối với các
vấn đề của khoa học thực nghiệm hiện đại bắt nguồn từ Descartes, người