Nhiều người rất biết cách kiếm tiền, nhưng lại không biết cách tích
lũy, cứ có là tiêu hết sạch, kiểu như “biết làm thì cũng biết tiêu”. Ở
thành thị, không ít người ở trong tình trạng, chưa hết tháng đã tiêu hết
tiền, đến khi gặp phải biến cố về tài chính, không tìm ra cách nào để
xoay sở. Ngoài ra, có những người giỏi làm kinh tế, nhưng lại không
hiểu cách quản lý tài chính sao cho khoa học, tự đẩy mình vào tình cảnh
khó khăn, nên không thể trở nên giàu có. Kiến thức tài chính của những
người này đều rất mơ hồ, thể hiện rõ năng lực tài chính yếu kém.
Những người có kiến thức tài chính vững vàng, hay những doanh
nhân thành đạt, khi tính toán làm tài chính đều có kế hoạch cụ thể và
từng bước đi rất rõ ràng, cho nên, họ tạo ra được nhiều của cải vật chất
cho cá nhân, từ đó, nâng cao được chất lượng cuộc sống của chính
mình. Còn đối với những người chi tiêu quá mức, chỉ khi nào “cự tuyệt”
được thói quen tiêu xài lung tung, cắt giảm chi phí, mới có thể phát huy
hiệu quả tối đa số tiền trong tay, góp phần xây dựng cuộc sống sung túc
hơn.
Minh Hiếu đã bắt đầu vào học tiểu học. Giờ nghỉ trưa, khi thấy hầu
hết các bạn học khác đều lấy tiền cha mẹ cho để mua đồ ăn vặt, thì cậu
bé lại thấy rất khó chịu. Đó là bởi mẹ đã chuẩn bị cho cậu bé đầy đủ đồ
ăn và nước uống mang đến trường, thấy các bạn đi mua những thứ đồ
mình yêu thích, trong lòng Minh Hiếu cũng có chút thèm muốn được
như vậy. Tuy nhiên, cậu bé vẫn luôn tự nhủ lòng rằng, để mua được món
đồ chơi Disney mà mình mong đợi, nhất định phải kiềm chế, không
được chi tiêu lung tung, nếu không cha mẹ sẽ không cho tiền để mua
món đồ chơi đó.
Ở
bất cứ độ tuổi nào, trẻ cũng có thể xuất hiện thói quen không tốt,
đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chi tiêu mù quáng. Chẳng hạn
như tâm lý so sánh của trẻ, ở trường, nếu trông thấy bạn khác có đôi
giày hàng hiệu, thì chắc chắn trong lòng cũng muốn có một đôi như vậy,
và tự cho rằng như thế mới không bị lạc lõng, không bị bạn khác coi
thường. Chính kiểu tâm lý so sánh này đã dẫn đến những khoản chi tiêu
không cần thiết, tạo ra một vấn đề lớn đối với việc quản lý tài chính ở
trẻ.
Chịu ảnh hưởng từ môi trường xã hội, trong quá trình trẻ giao lưu
kết bạn với người khác, sẽ xuất hiện nhiều khoản chi tiêu không mong
muốn. Nhất là khi bọn trẻ muốn “thể hiện”, muốn “ra vẻ” trước mặt các
bạn khác, lúc nào trẻ cũng muốn bỏ tiền “chiêu đãi” bạn bè, nhằm bày
tỏ thành ý và sự phóng khoáng của mình. Khi trong đầu trẻ xuất hiện
kiểu suy nghĩ lệch lạc về mối quan hệ giữa tình cảm và tiền bạc, thì
chúng sẽ dần hình thành thói quen tiêu xài phung phí và mù quáng.