77
Ngày 27 tháng Một năm 1985 ấy, tuyết rơi ở Auschwitz. Trong số những
người sống sót tới dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày giải phóng trại, có một
nhóm người gù chừng năm mươi và sáu mươi tuổi, những cặp sinh đôi,
những người lùn và cụt tay. Những người dị tật từ vườn thú người của
Mengele đòi công lý trước ống kính máy quay của toàn thế giới và kêu gọi
các chính phủ bắt giữ kẻ tra tấn họ. “Chúng tôi biết rằng hắn còn sống. Hắn
phải trả giá.”
Phần lớn trong số họ bay từ Ba Lan tới Israel. Ngày 4 tháng Hai, phiên
tòa xét xử tên tội phạm chống lại loài người bắt đầu Yad Vashem, khu tưởng
niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Holocaust ở Jerusalem. Chánh án
tòa án chính là cựu trưởng công tố của phiên xét xử Eichmann. Suốt ba tối
liền, những người bị Mengele đem ra làm vật thí nghiệm kể lại nỗi thống
khổ của họ. Một cựu nhân viên nữ canh gác một khu giam giữ các cặp sinh
đôi người Di gan nhớ lại. Sau khi bơm tinh dịch của một người sinh đôi nam
vào cơ thể một người sinh đôi nữ với hi vọng cô gái trẻ sẽ sinh ra một cặp sơ
sinh, nhưng sau đó nhận thấy cô này chỉ mang thai đơn, Mengele đã lấy đứa
bé ra khỏi tử cung và ném vào lửa. Vẻ mặt ngây dại, một phụ nữ nói rằng cô
đã phải giết đứa con gái mới tám ngày tuổi của mình. Mengele đã ra lệnh
băng chặt ngực của cô để cai sữa đứa bé: hắn muốn biết một đứa trẻ sơ sinh
không được ăn uống có thể sống được bao lâu. Người mẹ đã nghe thấy đứa
bé gào khóc không ngớt và cuối cùng cô đã tiêm cho nó một mũi morphine
do một bác sĩ Do Thái đưa cho. Một số phụ nữ kể rằng lính SS đã đập hộp
sọ trẻ sơ sinh còn sống bằng báng súng và miêu tả bức tường ghim đầy mắt
giống như ghim bướm trong phòng làm việc của Mengele. Lời khai của các
nhân chứng được truyền hình khắp thế giới và gây tiếng vang lớn: trước khi
phiên tòa kết thúc, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ yêu cầu thẩm tra lại toàn bộ hồ sơ
và bắt giữ tên tội phạm do phải chịu sức ép của trung tâm Simon Wiesenthal