chúng đã tìm thấy bầu không khí chính trị quen thuộc và những phương tiện
rộng lớn để tiếp tục các hoạt động của chúng. Các trung tâm Quốc xã quan
trọng nhất tại các vùng nầy là Ai Cập và Syrie, hiện nay là nền Cộng hòa Ả-
rập thống nhất do Nasser lãnh đạo.
Các liên hệ giữa Chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Quốc gia Ả-Rập
không phải chỉ mới có ngày hôm nay. Nó bắt đầu dưới sự thúc đẩy của Hadj
Amin El Hussein, cựu Mufti (Muftihay Muphti: Thầy tu Hồi giáo xem việc
bảo thủ pháp giới) thành Jerusalem trong những năm 1930. Khi chiến tranh
bùng nổ, ông Mufti nầy chơi lá bài Hitler. Trong thời kỳ chiến tranh, ông
sống nhiều năm tại Đức, ra lệnh bằng máy vô tuyến cho người Ả-Rập phá
hoại cố gắng chiến tranh của Đồng Minh, chiêu mộ người Hồi giáo của vài
lãnh thổ bị chiếm đóng vào các tiểu đoàn đặc biệt và kết hợp chúng vào các
lực lượng Đức, đào tạo người Ả-Rập cho các công tác phá hoại và gián điệp
tại Trung Đông. Ông ta cũng đã biết rõ các phương pháp tiêu diệt mà bọn
Quốc xã đã áp dụng đối với các cộng đồng Do thái và đích thân ông ta tìm
cách bít kín các kẽ hở nơi những người Do thái có thể len lỏi vào Palestine
tị nạn.
Điều nầy, tôi biết được khi phỏng vấn Dieter Wisliceny trong nhà tù tại
Bratislava vào tháng 11 năm 1946. Thật ra Wisliceny nói chuyện với tôi về
các trường hợp mà y đã đề nghị với thượng cấp của Eichmann, chấp nhận
cho vài người Do thái, đã tự tìm được giấy phép di dân sang Palestine, rời
Slovaquie, và về sau rời Hung gia lợi. Lúc đó, Eichmann đã trả lời với y
rằng, dù hắn ta có muốn cho phép cũng không được, “vì ông Mufti sẽ phản
ứng dữ dội”. Ông Mufti có cách riêng để vào các bộ chính yếu của Quốc xã
và ông ta đã cố tình vận động để không một người Do thái nào được rời các
vùng lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Đức, vì sợ họ đến Palestine.
Trong lúc quân Đức đang đại thắng khắp nơi, hình như ông Mufti nầy đã
nói với Himmler rằng, ông ta hy vọng Himmler cho ông ta mượn Eichmann
sau khi chiến thắng, để áp dụng tại Palestine các phương pháp về “giải pháp
về vấn đề Do thái” của hắn ta.