Ví dụ cụ thể: Sân trượt băng nữ ở Central Park. Căn hộ của tôi ở
tòa tháp Trump Tower nhìn xuống sân trượt băng rộng hơn 1 mẫu,
nhờ thế mà trở thành sân trượt băng nhân tạo lớn nhất nước Mỹ.
Trong suốt bảy năm trời, sân trượt băng này phải đóng cửa vì thành
phố New York không thể quản lý nổi. Thành phố đã lãng phí bảy
năm cùng với 21 triệu đô-la mà vẫn không thể mở cửa sân trượt băng
- đây là một cơn ác mộng chính trị và là nỗi hổ thẹn lớn đối với
thành phố.
Về cơ bản, toàn bộ kiểu làm ăn quan liêu và lãng phí tiền thuế
của dân này thật sự làm tôi khó chịu, vì vậy tôi đã đề nghị tiếp quản
dự án và thậm chí tự bỏ tiền ra xây dựng lại. Ngoài ra, tôi cũng nói
rằng, nếu dự án vượt quá ngân sách, cá nhân tôi sẽ bù phần vượt
ngân sách này. Tôi cũng nói với thành phố là tôi sẽ hoàn thành Sân
trượt băng nữ trong sáu tháng. Tôi đã lầm. Tôi hoàn thành trong
bốn tháng. Và tôi chỉ bỏ ra 1,8 triệu đô-la - phần lớn số tiền đó là
để loại bỏ toàn bộ phần công việc kém cỏi được thực hiện từ trước khi
tôi tiếp quản. Tôi có phải là chuyên gia xây dựng sân trượt băng
không? Không, tôi xây các tòa tháp, khách sạn, câu lạc bộ sang trọng,
v.v... Nhưng tôi không bao giờ quên những gì mà cha tôi từng nói với
tôi. Ông đã nói: “Phải rõ mọi điều về những gì con làm.” Vì vậy, tôi
đã đi ra ngoài và tìm được người xây sân trượt băng giỏi nhất nước
Mỹ, và quản lý các chi tiết tới chỗ hoàn tất thành công. Tới nay, đây
vẫn là một nghiên cứu trường hợp ở nhiều trường kinh doanh hàng
đầu về sự khác biệt giữa các dự án của tư nhân và dự án của chính
phủ. Đáng mừng hơn nữa, Sân trượt băng nữ mang đến cho hàng
nghìn trẻ em, gia đình và khách thăm thành phố lớn của chúng ta
một trải nghiệm tuyệt vời mang lại nhiều nụ cười và kỷ niệm đáng
nhớ. Đó là những gì sẽ diễn ra khi ta thật sự làm việc để tiết kiệm,
chứ không phải để lãng phí.