Lại nói về đề tài. Đề tài không trơ bụng nổi trên mặt nước như con cá
chết trương. Nó lặn sâu dưới nước, ở vào giữa dòng xiết nhất. Hãy bắt lấy
nó ở đó, hãy túm lấy nó trong chỗ nước xoáy từ dưới dòng thác đổ. Chẳng
lẽ một đồng tiền tình cờ nhặt được trên vỉa hè, đồng tiền mà người khác đã
mất bao công sức nhọc nhằn mới kiếm được, lại có một giá trị nào đó sao?
Người miền núi thường nói: có thể bắt được nhiều thú, nhưng tất cả sẽ là
chó rừng hay là thỏ. Bắt được một con thôi nhưng là con cáo thì hơn. Chưa
thể biết sẽ bắt được nó ở đâu. Nhưng không nhất thiết con thú quý nhất lại ở
hẻm núi xa nhất.
Có một người thợ săn suốt đời ao ước săn được một con cáo đen. Suốt
đời anh ta tìm kiếm nó, đi ngang dọc khắp các triển núi. Về già, ông ta
không còn đủ sức đi xa nữa, đành đi săn ở hẻm núi gần nhất ngay cạnh nhà.
Và bất chợt ông ta trông thấy con cáo lông đen mịn màng.
Người thợ săn hỏi cáo:
- Bây lâu nay mày trốn ở đâu vậy, làm tao tìm kiếm cả đời không gặp?
- Tôi vẫn sống từ bé trong hẻm núi này, - con cáo trả lời, - nhưng chẳng lẽ
ông lại không biết rằng nếu ông có mất cả đời để đi tìm chăng nữa thì lúc
thấy chỉ cần một ngày, thậm chí một giây lát thôi sao?
Phải rồi, mỗi nhà văn đều có một ngày, một giây lát mà anh ta tự tìm thấy
mình, tìm được đề tài chủ yếu nhất. Một đề tài như thế, về sau nhà văn
không nên phản lại. Nếu anh ta thay lòng đổi dạ, thì anh ta sẽ gặp phải câu
chuyện như anh bạn quen của tôi đã gặp phải,
Như vậy, về vở kịch của người tôi quen. Một nhà văn Đaghextan viết vở
kịch về đề tài đời sống nông trang. Nhưng dù cho đề tài này quan trọng thế
nào, nhà hát vẫn không chịu dựng, giải thích bằng lý do khó chấp nhận
nhất; chúng tôi không thích vở kịch này, thế thôi.
Có thể đối với người nào khác một lý do như vậy có thể hiểu được,
nhưng nhà viết kịch lại không thể hiểu nổi. Ông nổi giận và viết một lá đơn
đến nơi cần thiết. Một ban kiểm tra được thành lập ngay để nghiên cứu vấn