Pharaoh Amenhotep III cho xây dựng hai bức tượng chân dung khổng lồ
ngay trước lăng mộ. Những bức tượng cao hơn 18 m này khiến giới khảo cổ
học bối rối. Chúng có vẻ được làm từ đá nhưng không ai hiểu cách thức vận
chuyển đến nơi xây dựng. Rồi các nhà khoa học hiện đại khám phá ra rằng
người Ai Cập thời đó đã tạo ra chúng từ bùn đá, loại đất sét có thể rắn khô lại
thành đá.
Ai Cập phồn thịnh dưới các vương triều pharaoh trong hàng ngàn năm rồi
cũng đến lúc suy tàn. Cư dân sống phía thượng nguồn, người Nubia (ở Sudan
ngày nay) từ lâu đã nằm dưới sự cai trị của Ai Cập. Vào khoảng năm 750 trước
Công nguyên, Piye xứ Nubia kéo quân xuống đồng bằng sông Nile. Chỉ trong
vòng một năm, Nubia đã thôn tính hoàn toàn Ai Cập. Piye trở thành “pharaoh
đen” (vị vua châu Phi da đen) đầu tiên cai trị đất nước này.
Piye và hậu duệ rất sùng bái văn hóa Ai Cập. Họ không phá hủy di tích cổ.
Thay vào đó họ “sao chép” phong tục Ai Cập vào chính quê hương mình. Hiện
nay, Nubia còn có nhiều kim tự tháp hơn cả Ai Cập.
Ai Cập chịu sự cai trị của hàng loạt ngoại bang khác, rồi trở thành một phần
của Đế chế La Mã. Mãi đến thời hiện đại, đất nước này mới giành được độc
lập.
Khoảng năm 1600, du khách và thương nhân châu Âu bắt đầu mang đồ lưu
niệm Ai Cập về nhà: tượng nhỏ, đồ trang sức, thậm chí xác ướp. Người châu
Âu thường nghiền nát xác ướp và dùng làm thuốc chữa bệnh.
Năm 1798, một kẻ chinh phục mới xuất hiện cuối chân trời – Napoleon
Bonaparte, hoàng đế tương lai của nước Pháp. Cùng với đội quân thiện chiến,
ông mang cả các nhà khoa học, nghệ sĩ. Một nghệ sĩ trong số đó sau này đã
xuất bản loạt sách về kim tự tháp và các kỳ quan khác. Chúng trở thành sách
bán chạy ở châu Âu và tạo nên cơn sốt về phong cách nội thất, đồ gốm và thậm
chí là kiến trúc Ai Cập. Một nhà thơ Anh quốc viết: “Mọi thứ giờ phải chạy
theo mốt Ai Cập. Phụ nữ mặc đồ họa tiết cá sấu, ngồi trên tượng nhân sư trong
căn phòng treo đầy xác ướp... đủ doạ trẻ em đi ngủ.”
Thế giới chưa bao giờ đánh mất hứng thú với Ai Cập cổ đại. Riêng năm
2010, đã có hơn 14 triệu du khách đến Ai Cập để được tận mắt chiêm ngưỡng
kim tự tháp và tượng nhân sư.