hỏi, biết là con gái họ Đoàn, cho tiến vào hầu chúa ở tiềm để, được yêu
chiều lắm. Bà sinh một trai, ấy là Thái Tông Hoàng Đế. Năm Tân Sửu
(1661) Lê Vĩnh Thọ năm thứ 4 mùa hạ, tháng 5, bà mất, táng Vĩnh Diện (ở
Thượng Cốc Hùng Cương thuộc xã Chiêm Sơn, tỉnh Quảng Nam). Thế
Tông Hoàng Đế năm thứ 6, Giáp Tý (1744) truy dâng tôn thụy là Trinh
Thục Từ Tĩnh Huệ Phi, sau lại thêm 2 chữ "Mẫn Duệ". Gia Long năm thứ 5
Bính Dần (1806) lại truy tôn làm Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính
Hiếu Chiêu Hoàng Hậu.
Bài sách văn đại lược nói: Lễ nhà tôn miếu, kính người mình tôn, yêu
người mình thân, là để báo công mà tôn đức vậy.
Kính nghĩ, Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Đoàn Huệ Phi điện hạ: sáng thơm
tú my, phép tốt trinh thuần. Khôn nguyên hợp đức, phong hóa gây từ đình
vi, cảm động kết thai, phúc trạch truyền cho xã tắc. Để phúc yên tốt nối đời
vô cùng. Nay, trên nhờ phúc thiêng, lại dựng nghiệp cả. Kính dâng huy
chương, để tôn nền tốt. Cẩn tiến sách vàng dâng tôn hiệu là: Trinh Thục Từ
Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kính Hiếu Chi Hoàng Hậu, thờ chung vào gian hữu
nhất nhà Thái Miếu.
Thái Tông Hiếu Triết(17) Hoàng Hậu họ Chu
(không rõ quê quán)
Ban đầu, bà hầu chúa ở nơi tiềm để, làm chánh phu nhân, sinh 2 trai, một
gái. Con trai trưởng là Diên được tấn phong Phúc Quận công, con thứ là
Thuần, được phong Hiệp Quận công, con gái là Ngọc Tào. Năm Giáp Tý
(1684), Lê Chính Hòa năm thứ 5 mùa đông, tháng 11, bà mất, thọ 60 tuổi,
tặng Tán Quốc Chánh Phu Nhân, táng lăng Vĩnh Hưng thuộc sơn phận
phường An Ninh huyện Hương Thủy. Thế Tông Hoàng Đế năm thứ 6, Giáp
Tý (1744) truy dâng tôn thụy là Từ Mẫn Chiêu Thánh Trang Phi sau thêm 2
chữ "Trang Liệt".
Gia Long năm thứ 5 Bính Dần (1806) lại truy tôn làm Từ Mẫn Chiêu
Thánh Cung Tĩnh Trang Thận Hiếu Triết Hoàng Hậu.
Bài sách văn đại lược rằng: Có thánh quân nối trị; tức có thục đức tề gia.
Cùng tôn cùng quý, là chính lễ vậy.