Hoàng tử thứ 9: Dương.Sinh mẫu là ai không rõ. Dương trước làm quan
nhà Lê đến Tả đô đốc, Quận công (người đời gọi là Quận Nghĩa). Năm
Mậu Ngọ (1558) mùa đông, theo Thái Tổ vào Thuận Hóa rồi mất (không
nhớ thọ bao nhiêu tuổi), không có con kế tự.
Hoàng tử thứ 10: Khê.
Mẹ là Minh Đức Vương Thái Phi. Khê có mưu lược và tài phán đoán, trước
làm Chưởng cơ, tước Tường quan hầu. Hi Tông Hoàng Đế năm thứ 13
Bính Dần (1626 Lê Vĩnh Tộ thứ 8) mùa xuân, tấn phong Tổng trấn, Tường
quận công. Chúa sai xử đoán việc nước, chỉ những vụ trọng án tử tù mới
tâu phúc. Đến lúc chúa se mình, triệu Khê vào nhận di mệnh, chúa bảo: "Ta
nối nghiệp tổ tiên có chí trên tôn phò nhà vua, dưới cứu giúp nhân dân.
Nay, thế tử chưa từng trải nhiều, phàm các đại sự quân quốc đều giao cho
hiền đệ xử đoán cả. Khê khấn đầu khóc, nói: "Tôi xin đem hết sức hèn mọn
để mong báo đáp".
Thần Tông Hoàng Đế khi mới nối ngôi chúa, Quảng Nam trấn thủ là Anh
làm phản (Anh là con thứ 3 Hi Tông) chúa dùng dằng không nỡ giết. Khê
xin vì đại nghĩa mà quyết đoán, bèn ra quân bắt Anh, giết đi (việc này nói
rõ ở truyện Anh). Chúa nghĩ Khê có công to cho dùng ấn đồng, đi kiệu đen.
Năm thứ 11 Bính Tuất (1646 Lê Phúc Thái năm thứ 4) mùa thu, Khê mất,
thọ 58 tuổi, chúa rất thương tiếc, tặng phong Tá lý tây thần đặc tiến thượng
trụ quốc bình chương quân quốc đại sự Tổng trấn, Quận công, thụy Trung
Nghị, lập đền thờ ở xã Nam Phổ (thuộc huyện Phú Vang). Hiển Tông
Hoàng Đế cho con cháu Khê được hưởng ngụ lộc ở Nam Phổ. Gia Long
năm thứ 4 (1805) cho Khê được liệt vào hạng thượng đẳng trong các công
thần khai quốc, ấm thụ một người cháu được thế tập Đội trưởng để giữ việc
cúng tế, cấp cho 15 mẫu ruộng thờ, 6 người coi mộ. Lại cho thờ phụ vào
Thái Miếu. Năm Minh Mạng 12 (1831) truy tặng hàm Khai quốc công
thần, Tôn nhân phủ tôn nhân lệnh, thụy Trung Trực, tước Nghĩa Hưng
Quận vương.
Khê là chỗ họ thân nhà chúa phụ chính trước sau hơn 40 năm, trải thờ 3 đời
chúa, đức cả, công to, được đời trông cậy và coi trọng.