Năm Kỷ Mùi, Đức đã đi đánh Quy Nhơn, cùng Võ Tánh đánh giặc ở Thị
Dã và cầu Tân An, đều được thắng trận, lấy lại được Quy Nhơn, đem quân
về, coi làm đồn ở Trấn Định và Mỹ Tho.
Năm Canh Thân, giặc vây Quy Nhơn, đại binh đến cứu viện, Đức đóng
quân ở Cù Mông, nghe theo Nguyễn Văn Thành chỉ huy.
Mùa hạ năm Tân Dậu, đại binh tiến lấy Phú Xuân, Đức quản lĩnh binh
thuyền ở lại giữ Thi Nại; đến khi lấy được Phú Xuân Đức xin về kinh yết
kiến. Vua nghĩ thành Quy Nhơn chưa hạ, dụ Đức ở lại.
Gia Long năm thứ nhất (1802) hạ được thành Quy Nhơn; cho Đức tước
Quận công, lĩnh đóng trấn Quy Nhơn.
Năm thứ 7, (1808) triệu về kinh, rồi cùng Lê Chất coi đắp các đường quan
lộ từ Quảng Nam đến Bình Hòa.
Năm thứ 9, (1810) Đức ra làm Tổng trấn Bắc Thành, hiệu lệnh nghiêm
chỉnh, rõ ràng, người đều sợ phục, muốn tiến dẫn sĩ phu, Vũ Trọng Đại, Vũ
Quýnh đều là môn thuộc cả.
Năm thứ 11, (1812) Đức được triệu về kinh, kính gặp lễ ninh lăng Hiếu
Khang Hoàng hậu, sung làm Tổng hộ sứ; rồi đổi bổ chức Khâm sai chưởng
Tiền quân, lĩnh thành như cũ.
Năm thứ 14, (1815) mùa hạ, Đức về kinh yết kiến, nhân xin về nghỉ Gia
Định, đến Bình Định, bệnh nổi lên, vua nghe tin, thường sai trung sứ đến
thăm hỏi, và cho ở lại trấn điều dưỡng, khỏi bệnh mới về.
Năm thứ 15, (1816) Đức thay Lê Văn Duyệt trấn giữ Gia Định, dâng biểu
nói: "Thần thẹn vì bất tài, một mình ở nơi công việc phiền kịch, nhiều việc
bỏ đọng, không thể làm một mình được, xin chọn người làm phó". Vua bèn
cho Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn.