Năm thứ 16, (1817) Đức có bệnh. vua cho một cân quế Thanh.
Năm thứ 18, (1819) về mùa thu, Đức chết, được tặng Súy Trung Dực vận
Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc Thái
phó Quận công, cho tên thụy là Trung Nghị, ban cho nhiều gấm đoạn và
tiền, sai quan trấn Định Tường dự tế.
Minh Mạng năm thứ nhất (1820), được thờ ở miếu Trung hưng công thần,
cấp phu coi mộ.
Năm thứ 5, (1824) cho thờ phụ ở Thế miếu, cấp cho ruộng tự điền.
Năm thứ 12, (1831) Đức được truy tặng Tá vận Công thần, Đặc tiến Tráng
vũ Tướng quân, Tiền quân Đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái phó; đổi tên
thụy là Chiêu Nghị; phong Kiến Xương quận công.
Đức là người trung thành, thuần thực, theo vua cầm dây cương, từng gian
hiểm, chí không chịu khuất chút nào về tiết không chịu theo giặc, người
khác khó mà theo được. Thế Tổ thường bảo thị thần rằng: Đức không chịu
hàng giặc, khốn khó muôn hiểm theo trẫm gian lao, chí khí cao cả ấy hơn
người tầm thường xa lắm. Tính Đức kính cẩn, Thánh Tổ thường nói trong
hàng võ thần, chỉ có Đức là biết lễ. Sau khi đại định cai trị ba tấn lớn, đức
nghiệp, công lao, danh vọng, các bầy tôi không sánh được.
Đức có bốn con Toán, Nhiên, Thành, Thỏa; Toán được ấm thụ Kiêu kỵ đô
úy, gả công chúa cho; Thành được ấm thụ Khinh kỵ đô úy; Minh Mạng
năm thứ 10, cũng gả công chúa cho, làm quan chức Phò mã đô úy; Thỏa
làm quan đến chức Vệ úy doanh Tiền phong. Nhiên được bổ thụ Phó vệ úy
các quân. Nhiên, Thỏa đều phải tội cách chức. Con của Thành là Kim, Tự
Đức năm thứ 4 (1851) được tập phong Kiến Xương tử, coi việc thờ cúng
Đức, lại người con nuôi của Đức là Nguyễn Đình Phố cũng vì có quân công
được vinh hiển, khoảng năm Minh Mạng, làm quan đến Tổng đốc Ninh
Thái, có truyện riêng.