Có tên nữa là Giáo, người huyện Tuy Phúc, tỉnh Bình Định, triều vua Duệ
Tông, từng làm quan đến Chưởng cơ tổng nhung.
Năm Giáp Ngọ, Tây tặc khởi ngụy quấy nhiễu, cướp bóc huyện ấp, Hoằng
đánh giặc ở Phú Đa bị thua, chạy vào Gia Định.
Mùa đông năm Đinh Dậu, Hoằng thu họp quân nghĩa dũng, cùng bọn Tống
Phúc Khuông hội quân ở Long Xuyên, theo Thế Tổ Cao Hoàng đế đánh
giặc, đánh được Long Hồ, lấy được Sài Gòn,có nhiều chiến công.
Mùa xuân năm Mậu Tuất, vua coi việc nước, cho Hoằng làm Chưởng cơ
coi các đạo Tiền quân, điều khiển tướng sĩ bộ binh. Hộ giá Ngạn, Tổng đốc
Chu của giặc vào cướp Trấn Biên. Vua tự làm tướng đem quân đóng ở Lật
Giang. Hoằng cùng bọn Lê Văn Quân đánh giặc ở các ngả Lật Giang, Ô
Nguyên đều được thắng, lại tiến quân đến Lộc Dã (tức là Đồng Nai), đánh
phá quân giặc, chém được tướng giặc là Liêm, Lăng. Bọn Ngạn tan trốn, ta
lấy lại được Trấn Biên, tiến quân đánh lấy được Bình Thuận, Hoằng cùng
Lễ bộ Nguyễn Nghi lĩnh bộ Binh đến đóng giữ hạt ấy.
Mùa xuân năm Tân Sửu, Hoằng ốm chết, được tặng Quận công, cho tên
thụy là Trung Nghị và cấp cho phu coi mộ.
Gia Long năm thứ 2, tha dao, dịch cho 18 người cháu gọi Hoằng là chú,
bác. Năm thứ 9, được bày thờ vào miếu Trung hưng công thần. Hoằng
không có con.
Nguyễn Hữu Thụy
Người ở Quý huyện, tỉnh Thanh Hoa. Cha là Hữu Đức làm quan Cai đội.
Thụy khỏe mạnh, mưu lược, có khí tiết tướng súy, cùng với cha là Đức và
em là Hựu theo vua đi vào Nam, cha con, anh em cả nhà đi theo vua, chưa
từng dời khỏi bên cạnh. Thụy làm quan đến Giám quân Chưởng cơ ở trung
quân, lấy công chúa. Hựu làm quan đến Lưu thủ.