Xuân, chọn thêm quân tinh nhuệ đi gấp đường đến mau. Khi ấy, Lê Hiển
Tông đã mất, cháu đích tôn là Lê Duy Kỳ nối ngôi (tức là Chiêu Thống đế),
nghe tin Nhạc đến, đem trăm quan ra ngoài cõi để đón. Nhạc ruổi quân đi
mau người đến nói là hôm khác sẽ đến ra mắt. Ngày hôm sau, Chiêu Thống
đế thân đến chỗ Nhạc, Nhạc chấp tay đứng trên thềm, sai Huệ xuống thềm
để đón rước. Nhạc ngồi ở giữa, Chiêu Thống đế ngồi hướng về bên Đông;
Huệ ngồi hướng về bên Tây. Chiêu Thống đế thòng dong yên ủi tạ ơn xin
cắt mấy quận ấp, khao thưởng tướng sĩ. Nhạc đáp rằng: Vốn vì họ Trịnh
chuyên chế, cho nên mới làm việc tôn vua phù nhà Lê này; nếu đất của họ
Trịnh thì một tấc không để, đến như đất vua nhà Lê, một tấc cũng không
dám lấy, chỉ mong Tự hoàng phân phát giềng mối nhà vua, giữ yên trong
cõi, đời đời hoà mục giao hảo với nước láng giềng, đó là phúc của hai nước
vậy.
Nhạc khi mới đến Thăng Long, trong ngoài ngờ sợ, hoặc có kẻ khuyên
Chiêu Thống đế dâng biểu xin hàng; đến đây tình người mới yên. Nhạc ở
lại mười ngày, rồi đem Huệ và tướng sĩ trở về Nam. Lấy từ núi Hải Vân trở
ra ngoài thuộc về Huệ làm Bắc Bình vương; Gia Định thuộc về Lữ làm
Đông Định vương, mà tự xưng là Trung ương Hoàng đế.
Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại
thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc,
của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho, Huệ muốn
lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm
khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là
giống sài lang chó lợn. Hịch văn có câu rằng: "Tội không gì lớn hơn là giết
vua (99), sao có thể một sớm khinh suất can không nghe thì đổi ngôi, thực
quan hệ đến sự yên nguy muôn đời".
Tờ hịch ấy là nguỵ Lại bộ Hồ Đông làm ra. Nhạc xem thấy cả giận, bèn sửa
quân đánh nhau, Huệ tự cậy là thế lớn, dẫn quân đánh thẳng vào Quy Nhơn
bao vây vài tháng. Nhạc đóng chặt thành tự giữ. Huệ đắp núi đất đặt súng