làm kế cứu giúp lẫn nhau. Chất báo cho Tánh biết, Tánh ủy cho Nguyễn
Đức Xuyên là Tả đạo, Chất làm Hữu đạo, mà Tánh tự coi Trung đạo đón
đánh ứng ở Kha Đáo, bắt được hết 6.000 quân, hơn 50 thớt voi, Ứng chỉ
chạy trốn được một mình. Đại tổng quản của giặc là Lê Văn Thanh và Binh
bộ thượng thư của giặc là Nguyễn Đại Phát dâng thành đầu hàng. Vua vào
thành, vỗ yên quân lính, đổi tên thành Bình Định. Hoặc có kẻ khuyên vua
nhân thế thắng tiến lấy Phú Xuân, vua đem hỏi Tánh, Tánh thưa rằng: Quy
Nhơn tuy hạ được, nhưng Phú Xuân còn có lực lượng hoàn toàn, quân ta đã
mệt mỏi chưa nên khinh suất tiến đi. Vua cho là phải.
Đại binh thắng trận trở về, Tánh vâng mệnh ở lại trấn thành ấy. Lễ bộ là
Ngô Tòng Chu hiệp theo để giúp. Trần Quang Diệu là Thiếu phó của giặc ở
Phú Xuân, nghe Tánh giữ thành Bình Định cùng Tư đồ của giặc là Vũ Văn
Dũng mưu rằng: ta nghe tiếng Tánh đã lâu, chư tướng không ai địch nổi,
nay giữ thành trơ trọi một mình, tiến lui không có quân cứu viện, ta đem
quân bộ đến đánh, đem quân thủy chặn cửa biển Thi Nại ngăn quân cứu
viện ở Gia Định, hẳn là lấy được. Mùa đông năm ấy, cùng nhau đem vài
vạn quân mạnh, hơn 100 chiếc thuyền, đường thủy đường bộ đều tiến.
Dũng đem quân vào cửa biển Thi Nại, Diệu đem quân bộ xâm lấn Thạch
Tân, thế quân rất mạnh, Tánh biết khí thế của giặc đương mạnh, chưa có
thể cùng đánh nhau được bèn sai hậu quân Phó tướng là Nguyễn Văn Thập
thu quân vào thành, sai Lê Chất đem quân trong bộ thuộc về Gia Định để
điều khiển và đem tình hình giặc tâu vua biết.
Chất đã đi rồi giặc tiến sát đến dưới thành thường khiêu chiến, Tánh đóng
chặt thành không hành động gì. Diệu bảo Dũng rằng: Tánh không đánh
nhau là muốn cầm cự lâu để làm cho quân ta già yếu đi. Bèn đắp lũy dài ở
ngoài thành, (chu vi cộng hơn 4340 trượng, mỗi trượng 2 người tuần giữ),
đem bộ binh vây vài vòng, Diệu đứng trông coi, đem thủy binh bày đồn
bảo; lại đem thuyền lớn định quốc của ngụy chắn ngang cửa biển Thị Nại,
Dũng đứng trông coi, phòng bị rất bền chặt.