ĐẠI THỪA VÀ SỰ LIÊN HỆ VỚI TIỂU THỪA - Trang 4

LỜI DỊCH GIẢ

Tôi dịch tập "Aspects of Mahàyana Buddhism and its relation to Hìnayàna
Buddhism" với mục đích rất khiêm tốn là giúp tài liệu học tập cho sinh viên
Phật khoa Vạn Hạnh. Vừa dạy, vừa dịch, kéo dài trong một thời gian hơn
một năm. Vừa dịch vừa in, nhiều khi bị chức vụ đa đoan của Viện Trưởng
làm gián đoạn, đến khi gần xong, xem lại, tôi muốn bản dịch và bản in đó
phải dịch lại và in lại cho hoàn hảo hơn. Nhưng vì Viện nghèo, tiếc tiền tiếc
công nên tôi phải cho in cho xong và cho xuất bản với một vài lời cáo lỗi.

Tôi cáo lỗi vì dịch không được trọn vẹn. Phần bị chú rất quan hệ trong tập
sách này, tôi chỉ dịch một phần nhỏ, vì sinh viên Phật khoa chưa cần đến,
và nếu có dịch cũng in không được vì quá nhiều chữ Sanskrit và Pàli. Các
vị nào có cần khảo cứu đầy đủ, xin mời đến thư viện Vạn Hạnh xem. Tôi
bỏ chương chót về giới luật Ðại thừa, không dịch, vì nghĩ ở Việt Nam giới
luật Ðại thừa khá phổ thông và cũng dễ tìm hiểu.

Lời cáo lỗi thứ hai là không cho in bị chú dưới mỗi trang sách mà cho in
sau mỗi chương, và in không dùng chữ xiên lại in một thứ chữ với các
trang chính. Do vậy các độc giả khó phân biệt phần nào là bị chú, phần nào
là trang chính. Lỗi lớn vì tại nhà in thiếu chữ, nhất là chữ Sanskrit và Pàli.
Mong các độc giả chịu khó phân biệt.

Lời cáo lỗi thứ ba là cáo lỗi với tác giả mà tôi quen biết rất nhiều khi ở Ấn
Ðộ, vì bản dịch này không phản ảnh trung thực giá trị của tác phẩm. Tác
giả không những uyên thâm về Sanskrit và Pàli, lại được hướng dẫn bởi
những nhà học giả trứ danh Pháp, nên trình bày tập sách rất khoa học và
khúc chiết, và tài liệu vừa dồi dào vừa chính xác, thật là một công trình
khảo cứu hy hữu.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.