đông như mây vần, quân sĩ dũng mãnh, kỹ thuật tinh nhuệ. Ngựa uống thì
nước sông cạn, mài dao thì đá núi lở, thuyền chiến nghìn chiếc, voi khoẻ
hàng trăm. [8a] Quân tinh nhuệ trong nước đều họp cả ở Kinh sư mà nuông
giặc không đánh, thế là nuôi hổ để mối lo về sau vậy. Ngày xưa, Đường
Hiến Tông nghe lời bàn của Hoàng Thường, lấy pháp độ mà kiềm chế
phiên trấn, rồi làm nên công nghiệp trung hưng. Từ đời Đường đến nay há
lại không còn những lời trung thành nào để trình lên nữa hay sao? Kính xin
quyết đoán thi hành. Cơ nghiệp ức vạn năm vô cùng của nước nhà là do ở
đấy".
Tân Hợi, [Hoằng Định] năm thứ 12 [1611] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 39).
Mùa đông, tháng 10, ngày 16, núi Tản Viên bị lở đến hơn 12 trượng. Ngày
18, ở huyện Yên Việt2696 , trời mưa máu suốt một ngày một đêm.
Nhâm Tý, [Hoằng Định] năm thứ 13 [1612] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 40).
Mùa thu, tháng 8, Ngự sử đài thiêm đô ngự sử Phương Tuyền bá Nguyễn
Duy Thì cùng giám sát ngự sử 13 đạo là bọn Phạm Trân khải lên Bình An
Vương rằng:
"Dân là gốc của nước, đạo trị nước chỉ là yên dân mà [8b] thôi. Lại nghĩ
rằng trời với dân cùng một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý trời rồi. Cho
nên người giỏi trị nước, yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy họ đói rét thì
thương, thấy họ lao khổ thì xót, cấm hà khắc bạo ngược, ngăn thuế khoá
bừa bãi, để cho dân được thoả sống mà không còn tiếng sầu hận oán than.
Thế mới là biết đạo trị nước, biết cách sai dân. Nay thánh thượng để ý tới
dân, thi hành một chính sách cốt để nuôi dân, ban ra một mệnh lệnh, cũng
nghiêm răn nhiễu dân. Lòng yêu dân đó, thực là lượng cả của trời đất, cha
mẹ vậy. Nhưng kẻ thừa hành thì chưa biết thể theo đức ý của bề trên, chỉ
chăm làm điều hà khắc bạo ngược, đua nhau xa xỉ, coi một huyện thì làm
khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã, mọi việc nhiễu dân,
không điều gì không làm, [9a] khiến dân trong nước, con trai thì không có
áo, con gái thì không có váy, tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không
đủ, sống nuôi chết đưa không trông cậy vào đâu, ăn uống chi dùng hàng
ngày mọi bề đều thiếu, dân mọn nghèo hèn cho đến sâu bọ cỏ cây đều
không sống nổi. Vì thế, cảm động đến đất trời, khiến cho lòng trời ở trên