không thuận, tai hoạ lũ lụt tràn ngập quá mức thường, chắc là có quan hệ
với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi, tu tỉnh, nghĩ đến tội lỗi gây nên
thế sao? Nếu biết thi hành chính sách bảo vệ dân thì dưới thuận lòng người,
trên hợp ý trời, và chuyển tai hoạ thành điềm lành, lúa được mùa luôn,
người người no đủ, trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước
nhà từ nay cũng do đó mà bền vững lâu dài vậy".
Mùa đông, tháng 10, thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng bắt được Tiêu
quốc [công] nguỵ ở núi Thiên Kiện [9b] (Tiêu quốc [công] người xã Bất
Đoạt, huyện Kim Bảng).
Quý Sửu, [Hoằng Định] năm thứ 14 [1613] , (Minh Vạn Lịch năm thứ 41).
Mùa xuân, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Bùi Tất Thắng 7
người. Đến khi thi Đình, cho bọn Nguyễn Tuấn 7 người đều đỗ đồng tiến sĩ
xuất thân.
Mùa hạ, tháng 4, sai hai đoàn sứ bộ gồm chánh sứ Lưu Đình Chất và
Nguyễn Đăng, cùng phó sứ Nguyễn Đức Trạch, Hoàng Kỳ, Nguyễn Chính,
Nguyễn Sư Khanh sang tuế cống nhà Minh.
Tháng 5, ngày rằm, có nguyệt thực.
Tháng 8, sai thái phó Thanh quận công Trịnh Tráng đi dẹp các xứ Yên
Quảng để mở rộng bờ cõi. Đi đến đâu, nhân dân quy phụ đến đấy. [Trịnh
Tráng] để lại thuộc tướng trấn giữ rồi về.
[10a] Mùa đông, tháng 11, sai triều thần chia nhau đi các xứ xét hỏi nỗi đau
khổ của dân gian. Người phiêu giạt thì tha tạp dịch ba năm để về yên cư
phục nghiệp.
Giáp Dần, [Hoằng Định] năm thứ 15 [1514], (Minh Vạn Lịch năm thứ 42).
Mùa hạ, tháng 6, sắc phong các vương tôn là Trịnh Trượng làm Liêm quận
công, Trịnh Tạc làm Vinh quận công, Trịnh Đồ làm Hương quận công,
Trịnh Bảng làm Hội quận công, Trịnh Trân là Phổ quận công, Trịnh Liêm
làm Lãng quận công, Trịnh Thức làm Luân quận công, Trịnh Lệ làm Hoà
quận công.
Mùa thu, tháng 9, phong vương tử là Trịnh Lệ làm Quỳnh quận công. Lấy
Hình khoa đô cấp sự trung Nguyễn Hữu Tác làm tham chính Hải Dương.
Mùa đông, tháng 11, có tiếng sấm.