ông làm quan.
Bấy giờ, Thượng hoàng có ý xuất gia, nên sai cung nhân ăn chay. Các cung
nhân đều ngần ngại, duy có nữ quan Nguyễn Thị Diên chặt ngón tay [35b]
đem dâng. Thượng hoàng ngợi khen, ban cho 40 mẫu ruộng làm lương ăn
tu hành ngày sau. Rồi Thị Diên quả nhiên đi tu cho đến lúc mất, Phật hiệu
là Tịnh Quang ni.
Mùa đông, phụ táng Tuyên Từ thái hậu ở cạnh lăng Nhân Tông.
Trước đây, Nhân Tông từng dặn lại Anh Tông ngày sau phải đem dì (tức là
thái hậu) táng ở cạnh lăng và vẽ bản đồ chôn cất thành huyệt hình thước thợ
trao lại. Đến đây, Thượng hoàng theo di mệnh, đào cạnh lăng để chôn. Đất
lăng nhiều bùn lầy, tiếng đào đắp vang động cả khu lăng. Thượng hoàng có
vẻ lo. Trước đây, khi sắp chôn thái hậu [vào đấy], các quan tâu rằng không
nên làm kinh động lăng tẩm. Thượng hoàng nói:
"Tiên đế có lệnh, ta không dám trái. Nếu có tổn hại gì, ta sẽ chịu cả".
Sau khi chôn không được bao lâu, Thượng hoàng bị bệnh, đầy năm thì
băng.
Kỷ Mùi, [Đại Khánh] năm thứ 6 [1319], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 6).
Mùa hạ, tháng 4, bến Đông Thiên Vương ở Đống Lâm lở 10 trượng.
[36a] Tháng 5, ngày 17, hoàng thái tử Vượng sinh tên hiệu là Thiên Kiến.
Nước to.
Mùa đông, tháng 11, hoàng thái tử Nguyên Trác sinh.
Canh Thân, [ Đại Khánh] năm thứ 7 [1320], (Nguyên Diên Hựu năm thứ
7). Mùa xuân, tháng 3, ngày 16, thượng hoàng băng ở cung Trùng Quang
phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù, quàn tại cung Thánh
Từ.
Thượng hoàng tính tình khiêm tốn hoà nhã, hoà mục với người trong họ,
mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán. Khi thư rỗi trong muôn
việc bận, Thượng hoàng để tâm tới việc trước thuật. Nhưng viết được gì, vẽ
được gì, ngài đều đốt cả. Tập thơ ngự chế tên là Thủy vân tùy bút , trước
khi mất, cũng đốt đi.
Hồi còn trẻ, thích uống rượu, Nhân Tông răn bảo chuyện đó, từ đấy không
bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều.