Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng:
"Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế",
từ đó lại càng [36b] thận trọng khi ban chức tước. Ngài không ngại sửa lỗi
như vậy đó!.
Quan nô là Hoàng Hộc và Thiên Kiện dùng mưu kế xảo trá, đánh lừa hình
quan, người trong hương rốt cuộc phải chịu tội vu cáo. Thượng hoàng biết
chuyện, bảo hình quan rằng:
"Tên Hộc gian ngoan xảo quyệt đến thế mà ngục quan không biết suy xét
tình lý. Tình ngay lý gian thì không được lấy lý bỏ tình. Phải suy xét cả tình
và lý, tình lý không xung đột thì mới là giỏi xử án. Nếu biết tình không
gian, thì theo lý mà làm là phải, nếu tình quả là gian rồi, thì lại phải suy xét
xem lý ngay hay cong, như vậy, điều gian dối sẽ tự khắc hiện ra, càng
không nên tách rời tình lý làm hai mà xét".
Ngài sáng suốt, thận trọng về hình phạt lại như thế đấy.
Huy Tư được phong hoàng phi, thi theo hầu [thượng hoàng] chưa được
ngồi kiệu. Bảo Từ lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà thì ngài trách rằng:
"Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi
còn điển chế cũ, không thể [37a] cho được!".
Nguyễn Sĩ Cố, Chu Bộ là cận thần của thái tử. Đến khi thái tử lên ngôi. Cố
và Bộ đều vì không có đức hạnh nên đều không được cất nhắc. Cố làm đến
Thiên chương các học sĩ, chức này thực đặt làm vì, chứ không có quyền
hành gì. Bộ thì chỉ coi mấy bộ cấm binh Khôi. Khi thượng hoàng thân đi
đánh Chiêm Thành, Bộ chết trận, Cố thì chết trên đường đi. Hai người này
phục vụ Thượng hoàng khó nhọc lâu ngày, nhưng vì tài không thể dùng
được, nên đặc họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc tước trật ưu hậu
cả mà không trao cho thực quyền.
Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông.
Khoảng năm Hưng Long [1293 - 1314] khuyết chức Hành khiển. [Có lần]
Thượng hoàng chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo:
"Quốc Phụ được đấy!" [Thượng hoàng thưa:
"Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì [Quốc Phụ] được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện
rượu thôi!".