Những đứa trẻ đến trường trong bộ quần áo bẩn có thể thay những
bộ quần áo sạch sẽ khác rồi vào lớp. Giáo viên và những người tình
nguyện sẽ giặt và sấy những bộ quần áo bẩn này, đến ca học
chiều, quần áo của chúng đã được giặt sạch và xếp lại cẩn thận.
“Đây là một trong những đóng góp của chúng tôi để đem đến sự thay
đổi, và kết quả là những đứa trẻ của tôi trông thật tuyệt”, Madeline
chia sẻ.
Tất nhiên, Madeline cũng bị chỉ trích. Họ nói công việc của một
hiệu trưởng không phải là giặt giũ quần áo. Madeline khẳng khái đáp
lại: “Đừng nói với tôi những việc tôi không thể làm. Tôi có thể làm
mọi thứ mình muốn. Tôi biết cách giải quyết vấn đề của mình.
Tôi sẽ giúp những đứa trẻ này đến trường trong những bộ quần áo
sạch sẽ. Tôi có thể làm được điều này”.
Bộ quần áo sạch sẽ, môi trường học tập khang trang, thân thiện
sẽ giúp các em học tốt hơn. Quyết tâm của cô ấy đã lan truyền
đến những người khác. Nhiều người đã bắt tay nhau cùng chung
sức xây dựng trường học. Phong trào “thực hiện những điều thiết
thực” đã được dấy lên trong giáo viên, phụ huynh và học sinh của
trường. Ba năm sau ngày Madeline trở thành hiệu trưởng, nơi đây đã
trở thành ngôi trường có môi trường giáo dục tiên tiến nhất quận.
Madeline Cartwright chính là tấm bù lái điều khiển cả con tàu
lớn. Những gì cô ấy làm không phải là việc khiến thế giới phải
chấn động. Cô không cần khoản chi phí khổng lồ, hay một trí tuệ
phi thường. Nhiều người cho rằng việc cô ấy sơn sửa trường lớp,
giặt giũ quần áo, chăm sóc những đứa trẻ là tầm thường; nhưng
đối với học sinh và mục tiêu của cô ấy, thì đó là những việc làm có ý
nghĩa lớn lao. Giống như Madeline, bạn cũng có thể trở thành một
bánh lái nhỏ. Việc bạn cần làm là nhận ra sứ mệnh của mình và hành
động.