229
TẬP 6: DANH NHÂN CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Các tuyến mới mở ở nam đường số 9 có rất nhiều đoạn khá bằng
phẳng; bộ đội ta chỉ cần mở rộng đường và gia cố thêm là có thể sử
dụng xe đạp thồ để chuyển hàng”(tr. 71).
Những dòng tư liệu trên đây cho ta thấy từng bước phát triển của
công việc vận chuyển trên đường Trường Sơn, từ chỗ năm 1959 bộ đội
còn gùi hàng trên vai thì đến cuối năm 1961 đã dùng đến xe đạp thồ.
Chiếc xe đạp thồ đầu tiên vào Trường Sơn là xe Favôrít có số khung là
20.220. Không dừng lại đó, có những tuyến đường ta còn sử dụng cả
xe cơ giới. “Đến cuối tháng 6/1961, đường mới mở nối liền đường 12
ở Lằng Khằng tới Pác Nha Năng và đến tháng 12/1961 đã thông tới
đường số 9 ở Mường Phin. Tuyến đường này dài trên 180km, mặt đường
rộng 4m, vượt sông Sê Băng Phai, sông Sê Băng Hiêng và nhiều suối
nhỏ. Do nối đường 12 với đường số 9 nên đường này có tên là đường
129. Thông đường 129 là một bước phát triển quan trọng của tuyến
chiến lược 559 - đường Hồ Chí Minh. Từ thế độc tuyến Trường Sơn,
Đoàn 559 đã mở thêm đường dọc theo biên giới Việt - Lào và đặc biệt
quan trọng là đường tây Trường Sơn. Từ đơn thuần là đường gùi thồ
nội địa và dọc biên giới, Đoàn đã tiến tới mở ở tây Trường Sơn đường
cho xe cơ giới” (SĐD, tr. 74). Đó là lúc mà Đoàn đã được trang bị 6 xe
Gát 69, 2 xe Gát 51, 16 xe Gát 63 và hơn 600 xe đạp thồ v.v... Và lực
lượng vận chuyển không còn phòng tránh lực lượng tấn công của địch
mà họ còn được trang bị thêm súng bộ binh, lựu đạn đặng “đánh địch
mà đi, mở đường mà tiến”...
Nhờ có những tuyến đường mới này, ta bắt đầu đưa pháo lớn vào
chiến trường, loại pháo đầu tiên được chọn là pháo 75 ly. Và cũng trong
thời điểm này, ta cũng bắt đầu dùng máy bay vận chuyển vũ khí đến
sân bay Tà Khống (cách Sê Pôn khoảng 5km) hoặc thả dù gạo xuống
trục đường 129. Trong hồi ký, ông Võ Bẩm cho biết những thông tin
rất thú vị: “Cái khó đối với việc cho máy bay hạ cánh ở sân bay Thà
Khống là sau khi địch rút bỏ nơi này, đài dẫn đường không làm việc
được, ta không có bộ phận điều khiển ở mặt đất. Theo yêu cầu của anh
Đặng Tính (Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân) trong thời
gian có mặt ở Sê Pôn, tôi tổ chức thông báo cho không quân ta. Cứ hai