SỨC CHỊU ĐỰNG BỀN BỈ CỦA DOANH NHÂN VIỆT
(Bài viết cho Saigon Times nhân Ngày Doanh Nhân của Việt Nam - 2012)
Nếu hỏi tôi lợi thế cạnh tranh của doanh nhân Việt so với các đồng nghiệp
trên khắp thế giới thì tôi có thể trả lời không cần suy nghĩ là sức chịu đựng
bền bỉ của họ và cách điều chỉnh hoạt động nhanh chóng để thích hợp với
một môi trường kinh doanh luôn bất ổn.
Trong vài năm qua, tôi đã gặp và nói chuyện nhiều với các doanh nhân Việt
thành đạt cũng như khó nhọc. Họ đều chia sẻ những chuyện làm ăn khá thần
kỳ trong thời bao cấp cũng như thời mở cửa chỉ để bám trụ và tồn tại. Tình
hình hiện nay rất phức tạp và khó khăn nhưng cơn bão năm Thìn này không
nghĩa lý gi khi so lại những trải nghiệm của quá khứ. Tôi nghĩ tiềm lực nội
tại của doanh nhân Việt sẽ giúp họ vượt bão và vươn cao hơn khi tinh thế
xoay chiều.
Tuy nhiên, có một điều khác biệt giữa hôm qua và ngày nay. Hai mươi năm
trước, các doanh nhân này còn nhỏ và rất “đói” về mọi phương diện. Họ
không có nhiều để mất và cả thế giới ào ạt đổ bộ vào Việt Nam để đầu tư
vào một thị trường nguyên sinh (như Myanmar hiện giờ). Các doanh nhân
này đã già hơn, mệt hơn và no đủ hơn vào thời điểm này. Thêm vào đó, sau
20 năm, mô hình kinh doanh dựa trên quan hệ tạo đặc quyền đã không còn
hiệu lực và các nhà đầu tư ngoại đã bỏ đi tìm những cơ hội khác.
Tôi hy vọng là thế hệ thứ hai của doanh nhân Việt sẽ thay thế bậc đàn anh
bằng những kỹ năng mới hơn, những sáng tạo đặc thù hơn và một tầm nhìn
dài hạn hơn để xây dựng một nền kinh tế bền vững và hiệu quả. Khác với
cha anh, họ sẽ có rất nhiều thứ để mất.
Sau cùng, trong một nền kinh tế dựa trên tri thức, các đột phá thường bất
ngờ và lan phủ rất nhanh. Các doanh nhân trẻ phải cảnh giác về những đổi
thay liên tục trong công nghệ, trong nhu cầu tiêu dùng, trong lợi thế cạnh
tranh để không bị đào thải khỏi cuộc chơi. Sự tiếp cận và tương tác với ngôi
làng toàn cầu qua đám mây điện toán hay các phi vụ xuyên biên giới là một
nhu cầu thiết yếu.