- Trên cây cọ chỉ có mười bảy vết khắc à.
- Lát nữa theo khắc thêm mười ba vết nữa, khó gì!
Mười bảy vết khắc kia, Tin đã có gian lận trong đó rồi. Những vết
khắc đó rõ ràng nhiều hơn số tuổi của hòn đảo Robinson. Thằng Bảy
biết tỏng, nhưng không nói ra. Không ngờ bửa nay thằng Tin huỵch
toẹt luôn. Nó nói chuyện ăn gian bằng vẻ mặt nghênh ngang khiến hai
đứa bạn nó ngớ ra mất một lúc.
- Nhìn cái gì! – Tin hừ giọng – Tụi mày viết đi!
Thế là Bảy và Thắm cúi đầu hí hoáy “Chúng tôi lạc vào hòn đảo này
đã tròn một tháng”.
Nhật ký của bọn nhóc từ từ dài ra, dĩ nhiên là hoàn toàn giống
nhau. Biết làm thế nào được, chúng ta cần phải thông cảm, vì chúa đảo,
chúa đảo phu nhân, và phó chúa đảo đều lạc vào cùng một chỗ, chứng
kiến cùng một sự kiện và trải qua cùng một tâm trạng.
Cho nên chúng ta đừng ngạc nhiên nếu câu thứ hai của bọn nhóc
cũng giống nhau đến từng dấu phẩy: “Đảo thoai thoải, rất nhiều cát,
nhưng cây cọ mọc rải rác giúp hòn đảo bớt hiu quạnh. Đảo Robinsin lọt
trong một vùng khí hậu đặc biệt, năm nào cũng có bốn trận bão lớn
tràn qua đây…”.
THẰNG TIN CỨ VIẾT MỘT CÂU, LẠI CẤT cao giọng đọc, y như thầy
giáo đọc chính tả cho học trò chép.
Nhưng Bảy và Thắm chẳng lấy thế làm tự ái.
Tụi nó còn thấy thích thú khi Tin hào hứng tả cảnh:
“Thỉnh thoảng gió giật rất mạnh, mái lều lợp bằng lá dừa của chúng
tôi bị nhồi liên tục và cuối cùng không chịu nổi đã đổ sập xuống, may
mà chúng tôi đã nhanh chân thoát ra ngoài. Những lúc đó, mặt biển
trông thật dữ dội, sóng trào lên như bắn ra từ một cái máy phun đặt
dưới đáy biển, bọt tung trắng xóa khi quật mạnh vào mỏm đá san hô ở
phía Tây hòn đảo”.