cháu họ là Trần Thủ Độ làm con nuôi. Trần Thủ Độ không được học hành
mà tính quyết đoán, có sức khoẻ và ý chí hơn người, tuy là em họ Trần Thị
Dung nhưng khi lớn lên, hai người quyến luyến nhau lắm, những buổi
chiều hè, thường ra bờ sông, chỉ tay lên vầng trăng non thề sẽ sống mãi bên
nhau.
Khi trước, đời vua Lý Thánh Tông, niên hiệu Long Thuỵ (1054-1072)
đang thời thịnh trị. Thánh Tông có một vị ái phi tên là nàng Yến, tức
Nguyên phi Ỷ Lan. Một hôm có ông thầy địa lý nói với Nguyên phi:
- Thiên Trường là nơi có khí tượng phát tích đế vương, nay lại thường
thấy mây lành bao phủ. Nguyên phi nên tâu với hoàng thượng tìm cách mà
yểm sớm đi, để khỏi lo di hoạ cho con cháu mai sau.
Nguyên phi đem lời ấy tâu với nhà vua. Thánh tông nhà Lý ghét
những chuyện trù yểm khuất tất, người phán:
- Đức là ở người, mệnh là ở trời. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng muốn tìm
thuốc tiên để đổi mệnh trời, cuối cùng cũng chỉ là vô ích.
Nói xong, vua không cho trù yểm gì hết. Chuyện ấy về sau các quan
cũng không còn ai dám nhắc lại.
Những ngày rét buốt của mùa đông rồi cũng tới, ánh nắng huy hoàng
một thời thịnh trị dần tắt trên mái điện Thiên An. Đến đời vua Lý Cao Tông
(1176-1210), vua ăn chơi xa xỉ, coi thường triều chính, ngày đêm vui thú
với bọn cung phi, mĩ nữ. Dân tình đói khổ, người chết đầy đường. Bốn
phương trộm giặc nổi lên như cỏ dại, vua cũng không để ý. Vì thế bọn Đàm
Dĩ Mông ngày càng lộng hành bóc lột trăm họ, kỉ cương đổ nát, chính sự
rối ren.
Bấy giờ là năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười (Ất Mão-1195), tháng
hai sét đánh vào gác Ly Minh làm sập mái. Các quan tâu rằng: