- Hoàng thượng là bậc thánh quân. Lời của người là thánh ý. Bề tôi chỉ
nên tận tâm mà hoàn thành sứ mệnh, chớ bàn ra tán vào. Chẳng lẽ đế sư
không hiểu điều đó?
(Phạm Bỉnh Di là một hoạn quan nhưng trước khi vào cung thì đã có
con)
Trong triều khi ấy phần lớn là phường a dua nịnh hót, thành ra những
người trung lương bị cô lập. Cao Tông giao cho Đàm Dĩ Mông lo việc đốc
thúc bộ công dựng cung ấy. Tháng sáu năm sau xây xong, đặt tên là cung
Ngoạn Thiềm. Dân chúng bị vơ vét đến cùng tận, kẻ ăn mày, người chết đói
nhiều lắm. Tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ mười ba (Mậu
Ngọ-1198) Đàm Dĩ Mông lại tâu rằng:
- Trước đây ai cũng coi giời là hơn cả, hoàng đế là con giời. Từ khi
đạo Phật thịnh hành người ta chỉ biết đi kêu cầu cửa phật, coi nhẹ việc thờ
phụng giời đất. Như thế chẳng phải là giảm lòng tôn kính với nhà vua hay
sao? Vả lại phần lớn những thầy tu chẳng qua là lười biếng ngại việc nên
trốn tránh ra ở chùa chứ người thành tâm hành đạo ít lắm. Xin hoàng
thượng xuống chỉ đuổi họ về quê tự làm lấy mà ăn, cũng thêm ra được hàng
vạn người trồng cấy.
Đế sư Lý Kính Tu tâu rằng:
- Xin hoàng thượng chớ nghe lời nói ấy. Người ta muốn sống được
trước phải có đức tin làm gốc. Đạo Phật vào nước ta mấy trăm năm nay đã
trở thành đức tin của dân chúng, đạt đến sự ngưỡng mộ thiêng liêng, là chỗ
dựa tinh thần của trăm họ, nay tự dưng bắt bỏ đi, người ta không khỏi cảm
thấy bơ vơ mà sinh ra tác loạn. Như thế chẳng phải nguy lắm hay sao?
Đàm Dĩ Mông bảo:
- Phật là đức tin thì giời, vua là cái gì? Chẳng lẽ giời và vua không còn
đáng để cho trăm họ tin tưởng nữa hay sao? Ông là thầy vua mà toàn nói