- Lời hát tuy có ý oán than nhưng cũng hào sảng lắm. Hẳn người con
gái này không phải kẻ tầm thường. Các ngươi hãy dẫn ta đến đấy.
Đến khi gặp lại, nhà vua mới biết Phạm Thị chính là cô gái lái đò đi
cứu dân năm trước mà mình đã lỡ quên đi. Đêm ấy Thánh Tông nghỉ lại ở
phòng Phạm Thị, chín tháng sau nàng sinh ra một cô con gái. Cái cây quý
trong vườn ngự từ khi trồng xuống chỉ có cành lá rườm rà, hôm ấy cũng nở
mấy chùm hoa trắng như ngọc, hương thơm dìu dịu toả khắp mọi nơi. Nhà
vua vui mừng đặt là cây Ngọc Lan và đặt tên cho con gái là công chúa Bảo
Hoa.
Công chúa Bảo Hoa càng nhớn càng xinh đẹp nhưng không thích nghề
canh cửi thêu thùa mà suốt ngày dẫn các cung nhân ra bãi tập bắn nỏ, cưỡi
ngựa, múa giáo, đánh quyền, lúc về phòng lại đọc binh thư, trận pháp có
khi cao hứng viết văn, làm thơ đánh cờ. Đến năm Bảo Hoa tròn mười tám
tuổi, nhà vua định mở hội kén phò mã. Bảo Hoa quỳ xuống tâu rằng:
- Nay quân giặc Thát như lũ cú diều đang rình rập ở nơi biên ải. Chỉ ai
đánh giặc có công lớn con mới chịu nhận làm phò mã, chẳng kể người ấy là
vương tôn công tử hay dân thường.
(Sau khi kết thúc chiến tranh, Bảo Hoa được Trần Thánh Tông khen:
"Con là gái mà đánh giặc giỏi" và phong cho tước "Bảo Hoa công chúa đại
vương", lại ban cho 40 mẫu ruộng ở phường Xã Đàn. Đến nay thần tích
phường Xã Đàn (thuộc quận Đống Đa, Hà Nội) còn lưu một bài thơ của bà:
Nguyệt lãng thanh phong tửu chinh khô
Đa tình tận ẩm bách đa hồ
Thiều quang dĩ chiếu doanh đình lạc
Ngũ phúc lai lâm diệc thử đồ.