mắt người thân của họ. Anh bảo phải làm một việc như vậy không đau lòng
sao được, nhưng không thể không làm.
- À ra vậy! Thế thì bác uống đi. Cứ uống đi để lấy dũng khí. Tôi hiểu
lòng bác. Thật là khó!
- Vâng! Khó lắm bác ạ. Khó hơn cả việc cầm giáo xông vào trận giặc.
Tôi đã phải nén chặt trong lòng từ hôm được về nhà tới nay để đợi cho qua
cái tết. Nhưng mỗi lần nhìn thấy những khuôn mặt đang khắc khoải chờ
mong, hi vọng, ruột gan tôi quặn thắt, như có bàn tay tàn nhẫn của người
khổng lồ bóp ngang lồng ngực.
Bác chủ quán mang thêm ra một đĩa thức ăn, ngồi rót rượu cùng uống
với cả Thìn, nói:
- Nào! Kính bác một chén. Tôi sẽ cùng uống với bác. Những người ở
mặt trận về như bác thế này đều đáng gọi là anh hùng cả.
- Không! Chính những người tôi sắp đến gặp mới thật sự là những vị
anh hùng. Tôi không có quyền để họ phải chờ đợi lâu hơn nữa.
- Bác nói đúng. Họ cần phải biết rõ sự thật, dù cho đó là sự bất hạnh
phũ phàng.
Hàng phố đã lên đèn, cả Thìn đứng dậy lấy ít bạc vụn đưa cho người
chủ quán. Bác chủ quán gạt đi, nói:
- Hôm nay tôi đãi bác. Mong có lần khác được hầu chuyện. Xin chúc
cho những người anh hùng vượt qua được cửa ải của thời thiên hạ thái
bình.
Cả Thìn bước ra ngoài, vầng trăng gần tròn mờ mờ sau màn mây
mỏng. Từng cơn gió dư tàn của mùa Đông vẫn đem về khí lạnh. Anh vượt