Phùng Tá Chu tuy là thái phó nhà Lý nhưng thực ra trước nay vẫn làm
việc dưới quyền họ Trần, trước đây thường được Trần Tự Khánh tin dùng
giao cho nhiều trọng sự. Chu nói:
- Việc soạn chiếu đâu có khó gì, chỉ sợ các quan phản đối.
Thủ Độ bảo:
- Ông cứ soạn đi, chuyện các quan tôi khắc lo được. Từ trước đến giờ
có việc gì bàn ở triều đình mà không mỗi người mỗi ý.
Phùng Tá Chu sai người mài mực, trải lụa viết thoăn thoắt, một lúc đã
xong, đọc lại cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ gật đầu khen, cầm tờ chiếu đi ra.
Những ngày cuối năm, dân kinh thành nhà nào cũng bận, nhà gia thế,
quan lại lo mua sắm quà cáp dâng biếu quan trên; kẻ sĩ lo làm sao có được
câu đối hay, bài thơ mới để đón xuân cùng bạn hữu; cánh thợ giầy, thợ ô,
thợ hàng mã, thợ sơn kiệu lo sao làm gấp để kịp trả hàng. Các nhà buôn bán
bày hàng la liệt, tiếng chào mời ời ợi khắp mọi nơi. Mấy bác dân cày ở các
vùng lân cận cũng bán thóc, bán khoai để đi sắm tết. Những kẻ cùng đinh
không còn mảnh vải che thân kéo về xin ăn. Đám binh lính tụ tập trong
quán rượu toàn nói chuyện về quê ăn tết, không ai biết sắp xảy ra cái việc
đổi giời.
Đêm mười một tháng chạp, gió bấc rít ràn rạt trên mái điện Thiên An,
vài hạt mưa lất phất càng làm cho tiếng trống cầm canh khục lên như tiếng
ho của ông già cảm lạnh. Dăm chú lính tứ sương co ro đứng gác cổng
thành, thỉnh thoảng nghển lên ngóng người đổi phiên. Đền đài, cung thất
như ngâm trong thứ ánh sáng đục lờ lờ của vầng trăng muộn bị mây che
phủ. Đầu trống canh năm, quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ cùng
quan thái phó Phùng Tá Chu mặc võ phục dẫn hai đạo quân hổ bôn đến,
dàn thành hai hàng dọc theo mép sân điện. Một đội quân thánh dực được
đưa vào đứng bên trong, sẵn sàng đợi lệnh. Lúc sau các quan lục tục kéo