Vàng được khai thác cách từ đây hàng nghìn năm - với một số chứng
tích cho thấy người Ai Cập đã khai thác vàng trong lòng đất từ năm 2000
TCN và các con sông bị “chiếm đoạt” để đãi vàng thậm chí còn xuất hiện
sớm hơn. Trong vài nghìn năm qua, các dạng thức khai thác vàng lộ thiên
và khai thác hầm lò ít có thay đổi về bản chất.
KHAI THÁC HẦM LÒ
Một vài năm trước, tôi may mắn được đến thăm mỏ Tau Tona (tên này
có nghĩa là “sư tử lớn” ở Sesotho), do công ty AngloGold Ashanti điều
hành, nằm cách Johannesburg khoảng 65 km. Thật thú vị khi đến thăm một
mỏ đang hoạt động hơn là cuộc viếng thăm triển lãm dành cho yếu nhân.
Sau những chỉ dẫn an toàn dài, trong đó có cả việc không sử dụng điện
thoại di động, máy ảnh, v.v… mà vẫn không được đảm bảo sẽ tránh được
nguy cơ gặp các vụ nổ bất ngờ, chúng tôi được đưa xuống sâu khoảng 2.000
m trong lòng đất. Mỏ này thậm chí còn sâu hơn khi quặng vàng vẫn được
khai thác ở độ sâu trung bình gần hai dặm và điểm sâu nhất của mỏ vẫn đi
xuống thêm khoảng 500 m nữa. Ở độ sâu hơn hai dặm, đây vẫn chưa phải là
mỏ sâu nhất thế giới. Mỏ sâu nhất thế giới thuộc về Mỏ Driefontein của
Gold Fields với độ sâu ở hơn 4.120 m, tiếp sau là Mỏ Kloof cũng của công
ty này có độ sâu chỉ khoảng 4.020 m. Những kỷ lục này có thể không giữ
được lâu khi trữ lượng vàng được xác định còn ở dưới độ sâu 5.600 m dưới
lòng đất, và mặc dù công nghệ đã đủ tiên tiến để khai thác những trữ lượng
này song chi phí lớn vẫn là rào cản – ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay.
Để có thể đưa người xuống làm việc trong lòng đất, một loạt thang máy
siêu tốc đã được thiết kế và đưa vào sử dụng. Những thang máy này thông
thường là loại ba khoang, có thể chở được tổng cộng 120 người và đi với
vận tốc trung bình là 60 km/giờ.