Đồng thời, hoạt động tập thể còn giúp trẻ học cách dùng quy tắc giao
lưu trong tập thể để điều chỉnh lời nói và hành vi của bản thân, biết cách
tôn trọng, tin tưởng, thông cảm, giúp đỡ người khác, biết cách điều tiết
các mối quan hệ tập thể và cá nhân.
☘ GIÚP TRẺ XÂY DỰNG TÌNH BẠN VỚI NGƯỜI KHÁC
Trẻ khép kín, không hòa đồng, nguyên nhân nhiều khi là do không
tiếp nhận ý kiến của người xung quanh, thiếu tinh thần hợp tác. Do đó,
cha mẹ cần giúp trẻ thay đổi suy nghĩ mình là trung tâm, học cách phân
biệt đúng sai. Ví dụ, cha mẹ có thể thường xuyên hỏi trẻ chơi có vui
không, tìm hiểu tình hình chơi đùa của chúng, khẳng định những cách
làm đúng đắn, nhắc nhở những hành động không đúng.
☘ DẠY TRẺ CÁCH KẾT BẠN TRÊN NGUYÊN TẮC BÌNH ĐẲNG
Chỉ cần trẻ có tâm lý lành mạnh thì đều có những người bạn tốt.
Trong quá trình trẻ kết bạn, cha mẹ nên dạy trẻ phải nghiêm khắc với
bản thân, bạn bè cần khoan dung, tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Với
những đứa trẻ thích gây rối, thích thể hiện, ở nhà cha mẹ nên nhắc nhở:
“Nếu con cứ như vậy thì không bạn nào thích chơi cùng đâu, cô giáo
cũng không yêu nữa”. Ở nhà trẻ, cô giáo nên tận dụng “tâm lý số đông”,
để cho trẻ nhìn thấy trong tập thể lớp đoàn kết, tuân thủ kỷ luật; một
người gây chuyện sẽ không được chào đón, hãy để trẻ cảm nhận một áp
lực vô hình, dần dần trẻ sẽ hòa nhập vào tập thể.
☘ TẠO CƠ HỘI CHO TRẺ GIAO LƯU VỚI BÊN NGOÀI
Cha mẹ nên tạo điều kiện tốt nhất để trẻ giao lưu kết bạn. Ví dụ, vào
những ngày lễ tết, cha mẹ có thể đưa trẻ đi chơi ở những nơi công cộng
hoặc thăm nhà họ hàng, bạn bè, cũng có thể mời bạn của trẻ đến nhà
chơi. Qua những hoạt động đó, trẻ sẽ có thêm cơ hội giao lưu nói
chuyện, cảm nhận được niềm vui khi nói chuyện với người khác.
☘ SỬA CHỮA NHỮNG ĐIỀU CHƯA TỐT
Cha mẹ nên giúp con sửa chữa những tính cách không tốt trong việc
hòa nhập tập thể, như kiêu ngạo, nhỏ nhen, ích kỷ; bồi dưỡng cho trẻ
phẩm chất vô tư, thành thực, cầu tiến, dũng cảm. Chỉ những trẻ như vậy
mới được nhiều người yêu quý.