☘ BIẾT CÁCH ĐỐI PHÓ VỚI NGƯỜI LẠ
Cha mẹ nên cho trẻ biết, nếu ở một mình mà có người lạ bắt chuyện
thì phải giữ bình tĩnh và cảnh giác cần thiết. Phân tích từ nhiều vụ trẻ
em bị bắt cóc, có thể thấy tội phạm thường ra tay với những trẻ nhút
nhát, nhẹ dạ. Đồng thời, nên có ý thức tách biệt giữa tôn trọng người
khác và tăng cường bảo vệ bản thân. Trẻ thường được dạy phải nghe lời,
tôn kính người lớn. Vì thế, những kẻ tội phạm thường lấy cớ như “quan
tâm”, “đến đón hộ”, “chú là khách” để lừa gạt những đứa trẻ ngoan. Với
tình hình đó, cùng với việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và lễ nghi cho trẻ,
cha mẹ nên nâng cao ý thức an toàn, tự bảo vệ mình của trẻ. Khi cha mẹ
buộc phải để trẻ ở nhà một mình, cần dặn dò cẩn thận, có người lạ gọi
cửa không được mở, tốt nhất là đứng sau cửa nói rằng bố mẹ đang nghỉ
ngơi, hôm khác hãy đến, tuyệt đối không được nói bố mẹ không ở nhà.
☘ DUY TRÌ LIÊN LẠC VỚI HÀNG XÓM
Có được mối liên hệ mật thiết với hàng xóm, sẽ rất có ích cho việc
bảo đảm an toàn cho trẻ. Khi xảy ra chuyện gì bất ngờ, như ống nước bị
rò rỉ, bốc cháy, bị trộm đột nhập, rò rỉ gas thì trẻ có thể cầu cứu hàng
xóm. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ em ở thành phố.
☘ BỒI DƯỠNG KHẢ NĂNG TỰ KIỀM CHẾ CHO TRẺ
Có những đứa trẻ đã được trang bị những kiến thức về an toàn,
nhưng bản tính vốn hiếu động, nghịch ngợm, tham ăn, khó khống chế
bản thân nên có lúc quên cả sự an toàn, dẫn đến tự mình hại mình, có
lúc vẫn kiềm chế được mà ăn hoặc nhận đồ của người lạ và bị lừa. Vì vậy,
cha mẹ cần phải dạy trẻ kỹ năng kiềm chế những ham muốn của bản
thân.