chẳng thể tiến bộ. Thật ra, đó là vì trẻ chưa có phương pháp học
thích hợp.
Đối với trẻ, phương pháp học là rất quan trọng. Nếu học tập đúng
phương pháp, trẻ sẽ tốn ít công sức mà hiệu quả lại cao, còn nếu phương
pháp học không đúng, trẻ không thể áp dụng linh hoạt được tư duy của
mình vào việc học tập.
Tú là đứa trẻ thông minh, khi chơi trò chơi, dù là trò gì em cũng chơi giỏi
nhất. Bố mẹ em luôn tự hào vì điều đó, cho rằng Tú thông minh như vậy, việc
học tập chắc chắn sẽ không thành vấn đề.
Đến tuổi đi học, tình hình thực tế lại không giống như bố mẹ em mong chờ.
Tuy Tú rất thông minh, nhưng sự hiếu động lại khiến em không thể ngồi yên
trong lớp, về nhà làm bài cũng qua loa, học hành không theo quy tắc nào.
Cha mẹ Tú vô cùng lo lắng, bèn quyết tâm rèn cậu vào khuôn phép, mỗi bài
tập đều bắt làm hai lần. Nhưng Tú không đồng ý làm theo, cậu bé cảm thấy
thật khổ sở khi phải ngồi lì ở bàn học để làm đi làm lại bài tập như thế. Vì vậy,
cậu càng ngày càng ghét việc học.
Trong ví dụ trên, nếu Tú áp dụng được sự thông minh vào việc học
thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Cha mẹ em thì mù quáng cho rằng chỉ
khi vùi đầu vào học mới có thành tích tốt, nhưng cách học đó vốn không
thích hợp với đứa trẻ hiếu động như Tú. Vì thế, có thể nói cách học
không thích hợp sẽ khiến trẻ càng chán học.
Một hôm, cô Nhung đi ngang qua nhà một người đồng nghiệp, thấy vợ của
người này đang hướng dẫn đứa con đang học lớp ba làm bài tập trong quyển
kiến thức về tự nhiên. Khoảng ba tiếng sau, cô quay về và cũng đi qua nhà
người đồng nghiệp thì vẫn thấy hai mẹ con đang tìm tài liệu. Cô bèn đi vào và
hỏi: “Câu hỏi gì khó đến mức hai mẹ con mất ba tiếng mà chưa xong vậy?”.
Sau đó, cô đọc đề, chưa đầy nửa phút, cô đã nói với cháu bé: “Cháu chỉ cần
đọc kỹ đề, cô tin trong ba phút là cháu sẽ làm được”.
Thì ra đó là bài điền chỗ trống, cháu bé chưa đọc kỹ đề đã bắt đầu điền ngay,
nhưng điền thế nào cũng không đúng. Thế là cháu nhờ mẹ giúp, mẹ cũng
không tìm được đáp án. Rồi hai mẹ con bắt đầu mở sách, sau ba tiếng giở
hết sách ra vẫn không làm được.