GIẢM BỚT ÁP LỰC
HỌC TẬP CHO TRẺ
Áp lực từ gia đình và nhà trường rất dễ khiến trẻ bị
gánh nặng tâm lý, từ đó ảnh hưởng đến não bộ, ức chế việc tiết ra
hormon tăng trưởng, nghiêm trọng nhất là giảm 30%, ảnh hưởng
lớn đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Nhìn từ góc độ nào đó, nền giáo dục cơ sở của chúng ta là giáo dục
lựa chọn, biểu hiện bằng các đợt thi cử để phân cấp học sinh. Trẻ luôn
phải chịu sức ép nặng nề từ gia đình, nhà trường, bạn bè về thi cử, điểm
số, lên lớp …
Áp lực học tập đối với phần lớn trẻ đều là điều phiền não. Dù là
những trẻ học giỏi hay kém, chúng đều tỏ ra chán ghét nếu bài tập hay
các đợt thi cử diễn ra quá nhiều. Tuy cha mẹ, thầy cô không gây áp lực;
nhưng nếu đã kiểm tra, thi cử thì ít nhiều trẻ đều tự cảm thấy điều đó, từ
đó dẫn đến căng thẳng. Áp lực quá lớn sẽ gây khó khăn hoặc thất bại
trong thi cử, vì thế, cha mẹ nên giúp con giảm bớt áp lực.
Mỗi lần sắp đến kì thi là mẹ bé An lại lo lắng cho sức khỏe của con gái. Ngày
nào thấy con, mẹ cũng hỏi: “Trưa con ăn gì? Ăn có nhiều không? Có muốn
ăn gì nữa không?”, hy vọng có thể bồi dưỡng đầy đủ cho con. Con gái cảm
thấy mẹ chỉ biết đến ăn, chẳng quan tâm đến chuyện khác, giận dỗi nói:
“Không ăn gì cả, chẳng muốn ăn gì hết!”. Dần dần áp lực ngày một lớn, con
gái thật sự càng ngày ăn càng ít, giờ không ăn món chính nữa, ngày nào
cũng chỉ uống sữa chua, ăn hoa quả, càng ngày càng gầy, học lâu một chút
là chóng mặt.
Khi đối mặt với thi cử, trẻ khó tránh khỏi cảm giác áp lực. Cha mẹ
nào cũng mong con thành tài, để nguyện vọng đó thực hiện được, ngoài
tố chất tự thân của trẻ còn cần cha mẹ biết cách giảm áp lực học tập cho
chúng. Chỉ khi áp lực được giảm bớt thì trẻ mới có thể học tập một cách
vui vẻ.
Những đứa trẻ chịu áp lực học tập quá lớn thường tự ti vì thành tích
học tập kém, thiếu tự tin vào bản thân, thường buồn phiền về kết quả
học hoặc sự thiếu sót nào đó của mình, tâm lý yếu đuối, có khi vì thế mà
bỏ nhà ra đi, thậm chí còn nảy sinh ý định tự vẫn, đặc biệt là trước và
sau khi thi, nếu bài tập quá nhiều hoặc có khó khăn trong học tập. Vì
thế, cha mẹ nhất định phải lưu tâm đến tình hình của trẻ.