Hàng ngày, cha mẹ nên chú ý bồi dưỡng cho trẻ những tố chất tâm lý
tốt, giúp chúng giải phóng áp lực, đặc biệt là áp lực trong thời gian thi
cử. Áp lực học tập thường khiến trẻ lo lắng, ăn ngủ không yên, dễ nóng
giận. Lúc này, nếu cha mẹ lại gây thêm áp lực nữa thì tâm hồn mỏng
manh của trẻ sẽ không chịu đựng nổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến
thành tích học tập.
Nói tóm lại, giảm áp lực học tập cho trẻ là một vấn đề xã hội, cần sự
chung tay nỗ lực của tất cả mọi người, trong đó cha mẹ là người có trách
nhiệm trực tiếp và lớn nhất.
❋ LỚP HỌC LÀM CHA MẸ ❋
Để trẻ trưởng thành lành mạnh, mỗi cha mẹ đều phải cố gắng hết
sức. Mục tiêu cuối cùng của việc giảm áp lực học tập cho trẻ là vừa giúp
trẻ thích thú với việc học, vừa để trẻ thoải mái tinh thần.
☘ CHA MẸ NÊN CÓ NHẬN THỨC MỚI VỀ GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
Quan trọng nhất là thay đổi tư tưởng “đại học là con đường duy nhất
để thành tài. Cha mẹ cần nghiêm túc suy nghĩ về ưu nhược điểm, sở
thích của trẻ, cùng trẻ xây dựng mục tiêu một cách tỉ mỉ. Với những trẻ
thực sự gặp trở ngại trong học tập, cần dũng cảm lựa chọn con đường
khác dựa trên cơ sở phân tích một cách khoa học.
☘ CỐ GẮNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐỘNG CƠ HỌC TẬP CỦA TRẺ
Động cơ học tập là động lực căn bản của học sinh, khi trẻ dần lớn lên,
nhận thức được rõ ràng tính xã hội trong mục đích học tập thì trẻ mới
duy trì được động lực học tập. Trong thời gian khá dài, những mục tiêu
ngắn hạn, trực tiếp cũng có tác dụng kích thích trẻ học tập. Vì thế, cha
mẹ nên thường xuyên khích lệ trẻ, không ngừng tạo ra mục tiêu nhỏ cho
trẻ, có thể kể chuyện, xây dựng hình mẫu, tấm gương học tập để kích
thích hứng thú của trẻ, đồng thời dần dần truyền cho trẻ những tư tưởng
mang tính xã hội, giúp trẻ nhận thức nhiều hơn về tương lai, về xã hội
và thế giới. Một số cha mẹ thường thích dọa trẻ: “Không học thì sau này
không có cơm mà ăn”, hoặc “Không học thì sau này khổ cả đời”. Cha mẹ
không giải thích, cũng không đưa ra ví dụ cụ thể thì sẽ không có bất cứ
tác dụng nào.